Xây dựng cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: ASEAN làm trung tâm

Chiều 28/8, tại Hà Nội, sau 2 ngày làm việc, Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba với chủ đề Hướng tới xây dựng cấu trúc an ninh khu vực do Quỹ Ấn Độ (India Foundation) và Học viện Ngoại giao đồng tổ chức đã kết thúc tốt đẹp.

Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba diễn ra trong hai ngày 27/8 và 28/8, với sự tham dự của gần 300 đại biểu, bao gồm các đoàn cấp Thủ tướng, Bộ trưởng và các quan chức cấp cao từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với mô hình bán chính thức, Hội thảo đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất với nhiều thảo luận sâu sắc và có giá trị về các khía cạnh hợp tác khác nhau của khu vực, góp phần đạt được nhận thức chung về mục tiêu hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định, và thịnh vượng.

Thủ tướng Sri Lanka, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phó Thủ tướng Nepal, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore đã phát biểu khai mạc Hội thảo, nêu bật tầm quan trọng của vấn đề xây dựng cấu trúc khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, mong muốn về một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng khẳng định nguyên tắc xây dựng một cấu trúc khu vực có tính bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN, tôn trọng độc lập, chủ quyền, tin tưởng lẫn nhau và cùng có lợi.

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo Ấn Độ Dương (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Trong các phiên trao đổi cấp Bộ trưởng và quan chức cấp cao, các đại biểu chia sẻ nhiều ý kiến về thách thức, cơ hội, và tầm nhìn về xây dựng cấu trúc an ninh khu vực.

Nhiều đại biểu khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trong khu vực, cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam tổ chức Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba. Các đại biểu chia sẻ quan ngại về các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có an ninh biển. Trong quá trình xử lý các thách thức an ninh, các đại biểu đề cao việc tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Hội thảo còn là diễn đàn để các nước đang phát triển bày tỏ nguyện vọng, tiếng nói, cũng như đóng góp ý tưởng cho phát triển chung của toàn khu vực. Tại Hội thảo, đại biểu đến từ các quốc gia đang phát triển đã chia sẻ, trong bối cảnh thế giới đang chuyển hóa nhanh chóng với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, yêu cầu quan trọng là tạo ra sân chơi và cạnh tranh bình đẳng nhưng vẫn không bỏ qua tính khác biệt về trình độ và mô hình phát triển giữa các quốc gia. Theo đó, các quốc gia, ở các cấp độ phát triển đa dạng, cần có sự tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau, từ đó thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác và ổn định trong khu vực.

Trước phiên khai mạc đã diễn ra ba phiên thảo luận khoa học với sự tham gia của nhiều chuyên gia và học giả uy tín với các nội dung về cấu trúc an ninh khu vực; cấu trúc quản trị; thương mại và ổn định khu vực. Các học giả nêu nhiều ý tưởng song đều thống nhất nhu cầu kết nối Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng tăng do đây là những khu vực chiến lược về an ninh, kinh tế của thế giới, có nhiều lợi ích và giá trị gắn kết.

Mặt khác, khu vực này đang đối mặt với hàng loạt thách thức lẫn cơ hội mới đến từ các thay đổi đáng kể trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, việc xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, lấy luật pháp quốc tế là nền tảng, ASEAN làm trung tâm, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển kinh tế ở từng quốc gia làm điều kiện, sẽ đáp ứng lợi ích và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia.

Phương Linh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/xay-dung-cau-truc-khu-vuc-an-do-duong-thai-binh-duong-asean-lam-trung-tam-d2054474.html