Xây dựng 'chi bộ bốn tốt'

Chúng ta đều biết, chi bộ có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, là nơi tập trung trí tuệ, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục, quản lý, phân công công tác cho đảng viên; làm công tác vận động quần chúng, phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng viên... như quy định của Điều 24.2, Điều lệ Đảng. Có thể nói, chi bộ là 'tế bào' của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định 'chi bộ là gốc rễ của Đảng', là 'đồn lũy chiến đấu của Đảng ở trong quần chúng', là 'cầu nối giữa Đảng và quần chúng', 'chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh'. Vì vậy, xây dựng chi bộ vững mạnh là nhiệm vụ thường xuyên, không chỉ góp phần thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên mà còn đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi, nhiệm vụ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, trong đó việc xây dựng 'chi bộ bốn tốt' chính là một biểu hiện sinh động cho điều đó.

Thực tế cho thấy, lâu nay, ở nơi này, nơi kia không phải là không còn tư tưởng, nhận thức chưa đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của chi bộ, chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng chi bộ vững mạnh dẫn đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ chưa được phát huy, dấu ấn của chi bộ ở một số lĩnh vực còn mờ nhạt, cá biệt, có những chi bộ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu suy giảm, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị đó. Bởi thế, trong tổng hòa nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng hiện nay, xây dựng chi bộ vững mạnh phải được coi là nhiệm vụ trọng yếu, là “mắt xích” quan trọng, là trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trong đó phải cụ thể hóa, tập trung thực hiện hiệu quả từng khâu, từng bước của việc xây dựng “chi bộ bốn tốt”, gắn xây dựng tổ chức với nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trước hết, phải xác định rõ tiêu chí, yêu cầu, nhiệm vụ của mô hình “chi bộ bốn tốt”, từ đó căn cứ vào tình hình thực tế triển khai thực hiện theo từng nhiệm vụ cụ thể. Để hiện thực hóa mô hình “chi bộ bốn tốt”, điều cốt yếu, quan trọng là phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, trong đó các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng... phải đạt và vượt kế hoạch được giao. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ và sinh hoạt chuyên đề, xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của cấp ủy, chi bộ thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn, đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình, phê bình. Thường xuyên đề cao, xây dựng mối đoàn kết, thống nhất, kỷ luật tốt, nhất là thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng. Song hành với đó, tăng cường quản lý, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tốt cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật lẫn thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chi bộ và mỗi cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của mình trong tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, tích cực nghiên cứu, tham mưu, hiến kế cho việc xây dựng chi bộ vững mạnh, “chi bộ bốn tốt”, tạo dựng mối đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, tạo động lực, phong trào thi đua thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh phát huy vai trò nêu gương từ những lời nói, việc làm, hành động cụ thể nhằm lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực, từng cán bộ, đảng viên trong chi bộ phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện bản thân trên nhiều phương diện, thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nỗ lực phấn đấu, khẳng định giá trị, “thương hiệu” người cán bộ, đảng viên tốt trong “chi bộ bốn tốt”...

Hoàng Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-dang/xay-dung-chi-bo-bon-tot/202127.htm