Xây dựng Chính phủ điện tử đã có nhiều bước tiến vượt bậc

Chiều 25/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Thay mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, một trong những điểm nhấn quan trọng của Văn phòng Chính phủ trong năm 2019 là xây dựng Chính phủ điện tử với nhiều bước tiến vượt bậc.

Giải quyết khối lượng công việc đồ sộ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, năm 2019, Văn phòng Chính phủ đã giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ; tiếp nhận gần 120.000 văn bản; tham mưu, trình Lãnh đạo Chính phủ gần 14.000 Phiếu trình giải quyết công việc; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành gần 26.000 văn bản. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đã tham gia, đóng góp rất tích cực, hiệu quả trong việc xây dựng, trình Trung ương thông qua đề cương và dự thảo các báo cáo của Tiểu ban kinh tế - xã hội gồm Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Chiều 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chiều 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tổ công tác của Thủ tướng về đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã làm việc với tinh thần làm việc rất quyết liệt, hoạt động hiệu quả hơn, đi vào nề nếp, tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Đây cũng là một nhân tố quan trọng góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ cũng đã thực hiện tốt công tác quản trị, hậu cần, phục vụ hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với việc chất lượng được nâng lên. Công tác tổ chức cán bộ, cải cách hành chính và hợp tác quốc tế được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Năm 2020 đặt ra rất nhiều nhiệm vụ quan trọng trong đối ngoại cũng như nhiều lễ kỷ niệm lớn của đất nước, theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ phải phải làm thật tốt nhiệm vụ xây dựng Chương trình, Kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời phát hiện, báo cáo tình hình, nguy cơ không hoàn thành.

Chống tham nhũng chính sách

Với vai trò rất quan trọng là tham mưu tổng hợp, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Phó Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu tổng hợp. Phạm vi và nội dung rất rộng, nhiệm vụ rất đặc thù và rất khó khăn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức của Văn phòng Chính phủ phải có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt, tinh thần làm việc “vô tư, trong sáng”, tất cả vì mục tiêu chung.

Văn phòng Chính phủ cần chủ động hơn nữa nắm bắt tình hình thực tiễn cuộc sống, các vấn đề nóng, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm dư luận xã hội để kịp thời tham mưu, đề xuất xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp phục vụ chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo; theo dõi sát diễn biến tình hình và chủ động phát hiện những vấn đề cấp bách, khó khăn vướng mắc, chủ động tham mưu đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý kịp thời.

Đặc biệt, trong công tác tham mưu cần đúng chủ trương của Đảng, đúng Hiến pháp, luật pháp, có tính khả thi, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đồng thời phải vì nhân dân, tuyệt đối tránh lợi ích nhóm và chống tham nhũng chính sách.

Bên cạnh đó, cần lắng nghe tiếng nói của nhân dân, của doanh nghiệp. Muốn tham mưu tốt, đề xuất chính sách vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước thì phải lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức, phương tiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tập trung vào việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020. Đặc biệt là phải đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa Khát vọng vươn lên của dân tộc.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, năm 2020 và thời gian tới, phát huy truyền thống tốt đẹp, những kết quả đã đạt được thời gian qua, khắc phục những bất cập, tồn tại, xây dựng Văn phòng Chính phủ đoàn kết, vững mạnh hơn nữa, hoàn thành tốt và tốt hơn nữa những nhiệm vụ được giao.

Điểm sáng về xây dựng Chính phủ điện tử

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, năm qua, Văn phòng Chính phủ đã đã tham mưu ban hành Quyết định phê duyệt danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 95,8%. Đặc biệt, đã tham mưu lần đầu tiên ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chế độ báo cáo của cơ quan nhà nước. Tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Chính phủ và các bộ, cơ quan điều hành dựa trên dữ liệu thay vì giấy tờ thủ công.

Năm qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã tiếp nhận gần 7.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chủ trì xử lý hoặc chuyển xử lý theo thẩm quyền và công khai kết quả.

Một trong những điểm sáng của Văn phòng Chính phủ năm qua là xây dựng Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ điện tử. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban. Trình ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu khai trương và sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước; ước tính tiết kiệm hơn 1.200 tỷ đồng/năm so với gửi văn bản giấy. Đến nay, đã có hơn 1 triệu văn bản được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Cùng với đó, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu khai trương và đưa vào vận hành thử nghiệm Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-cabinet), đã phục vụ 08 phiên họp Chính phủ thường kỳ và chuyên đề; xử lý 143 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, tương đương phát hành 3.861 văn bản giấy.

Đặc biệt là việc tham mưu khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, để qua đó, người dân và doanh nghiệp có thể đăng nhập, thực hiện dịch vụ công trực tuyến đến tất cả các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh, không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Ước tính, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm chi phí xã hội được 4.222 tỷ đồng/ năm, trong đó chi phí tiết kiệm do thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia là 1.736 tỷ đồng/ năm. Chỉ sau 10 ngày khai trương, đã có trên 4,3 triệu lượt truy cập; gần 12.000 tài khoản đăng ký; tiếp nhận gần 15.200 hồ sơ thực hiện, 2.585 hồ sơ khai trực tiếp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và hỗ trợ, hướng dẫn 811 trường hợp qua tổng đài.

Năm qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức kiểm tra tại 24 bộ, cơ quan và 17 địa phương. Đặc biệt, qua các cuộc kiểm tra chuyên đề, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng được quán triệt, đôn đốc thực hiện, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương; kịp thời đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống. Trên cơ sở các kiến nghị của Tổ công tác tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Số nhiệm vụ giao chưa hoàn thành quá hạn của các Bộ, cơ quan chỉ còn 2,13%./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/xay-dung-chinh-phu-dien-tu-da-co-nhieu-buoc-tien-vuot-bac-993899.vov