Xây dựng chính sách an sinh xã hội đa tầng - thực tiễn từ TPHCM: An sinh để an dân

LTS: Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành nghị quyết mới về chính sách xã hội với nhiều nội dung đổi mới quan trọng.

Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhấn mạnh, chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Trong đó, an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Những nội dung nói trên cũng là mục tiêu TPHCM đặt ra trong suốt những nhiệm kỳ vừa qua.

Qua gần 2 năm phục hồi phát triển sau đại dịch Covid-19, dù đối diện với nhiều thách thức, tình hình kinh tế - xã hội TPHCM giữ đà tăng trưởng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Để đạt được những kết quả tích cực, thành phố đã có những quyết sách chủ động, ứng phó linh hoạt, sáng tạo duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, tích cực hỗ trợ người nghèo, người lao động mất việc làm.

Niềm vui của bà Ngô Thị Liễu (bìa phải) khi nhận phương tiện sinh kế được quận Phú Nhuận, TPHCM trao tặng Ảnh: QUỐC THANH

Nỗ lực vượt khó

Năm 2023, TPHCM tiếp tục đối diện với nhiều thách thức do ảnh hưởng bởi tình hình chung của kinh tế thế giới và xung đột giữa các quốc gia. Điều đó dẫn đến thiếu đơn hàng, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh khiến lượng lớn người lao động mất việc, giảm thời gian làm việc. Thống kê của Sở LĐTB-XH TPHCM, trong 9 tháng năm 2023, TPHCM có gần 128.500 trường hợp nghỉ việc tại các doanh nghiệp và đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số trường hợp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 9,3% (khoảng 10.945 người) so với cùng kỳ năm 2022.

Chị Lê Thị Bích Trâm (quê Sóc Trăng) gắn bó với Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) 14 năm nhưng trong đợt cắt giảm lao động lần thứ 3 của công ty, chị bị mất việc làm. Khó khăn chồng chất khi cuối tháng 9 vừa qua chồng chị cũng mất việc làm. Để bám trụ lại TPHCM, lo cho hai con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, chị Trâm cùng chồng chạy đôn chạy đáo tìm việc làm khác. May mắn là vợ chồng chị tìm được việc làm gia công tại nhà, đó là gấp áo mưa bỏ vào túi. Trung bình mỗi ngày chị gấp 400 cái, mỗi tháng được gần 4 triệu đồng. Công việc tưởng chừng chỉ làm lúc rảnh rỗi để kiếm thêm, giờ đã trở thành nguồn thu nhập chính của hai vợ chồng.

Anh Nguyễn Xuân Ngọc (công nhân giày da tại quận 12) dù không bị mất việc nhưng công ty khó khăn về đơn hàng, không còn làm tăng ca khiến thu nhập giảm sút. Để trang trải tiền nhà trọ, tiền học cho con, anh Ngọc tìm việc làm thêm buổi tối. Hàng ngày, sau giờ tan ca anh đến xưởng may mặc gần nhà làm từ 16 giờ 30 đến 20 giờ. Mỗi buổi làm thêm anh được trả công 120.000 đồng.

UBND TPHCM tính toán, giai đoạn 2024-2025, toàn thành phố có khoảng 13.430 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo có nhu cầu vay nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo với số tiền hơn 1.014 tỷ đồng. Do đó, UBND TPHCM đề xuất HĐND TPHCM ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn (2%/năm) đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo phát sinh lãi suất. Đồng thời, đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên diện hưởng chính sách người có công từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo phát sinh lãi suất.

Tiếp sức bằng những cách làm sáng tạo

Trước khó khăn của người lao động, những năm qua TPHCM phát huy triệt để vai trò của hệ thống chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Nhiều cách làm hay, mô hình nhân văn như tín dụng chính sách xã hội, tạo sinh kế, thêm việc làm đã được triển khai một cách sáng tạo để kịp thời tiếp sức người dân.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM bàn giao nhà cho người dân tại huyện Bình Chánh

Gia đình ông Lục Kiến Xương (ngụ quận 6) từng là hộ cận nghèo. Sau dịch Covid-19, gia đình ông càng khó khăn hơn. Trước hoàn cảnh của gia đình ông, Ban Dân tộc TPHCM phối hợp với chính quyền quận 6 hỗ trợ phương tiện mưu sinh là dụng cụ bán nước sâm, nhờ đó gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn. “Chúng tôi được tặng nhà tình thương, tặng bảo hiểm y tế, đứa cháu đi học được nhận học bổng nên gia đình không phải lo lắng như trước nữa”, ông Xương bày tỏ.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (ngụ phường 2, quận Phú Nhuận) từ ngày được quận Phú Nhuận tặng phương tiện sinh kế là xe bán nước cũng thấy an tâm hơn. Giờ đây, với thu nhập từ xe nước, bà gói ghém để chi phí trong nhà không phải thiếu trước hụt sau. Qua hơn 2 năm thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, quận Phú Nhuận đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà tình thương cho 54 hộ với kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng; trao học bổng cho 1.243 lượt học sinh, sinh viên với kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng. Quận cũng tư vấn, định hướng nghề cho hơn 2.500 lượt người. Ngoài ra, quận còn chăm lo thêm cho 1.050 hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền gần 2,2 tỷ đồng...

Trong tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 (từ ngày 17-10 đến 18-11), Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” TPHCM đã trao tặng kinh phí hỗ trợ 97 phương tiện sinh kế cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cùng đó là nhiều suất học bổng, sổ tiết kiệm cho học sinh, sinh viên, trẻ mồ côi.

Ngoài ra, để chăm lo người lao động khó khăn, tổ chức Công đoàn TPHCM thực hiện nhiều chương trình thiết thực như trao hàng ngàn sổ tiết kiệm (từ 5-10 triệu đồng/sổ) đến công nhân bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động. Liên đoàn lao động các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng tặng hàng ngàn phương tiện sinh kế cho công nhân lao động. Rồi những mái ấm công đoàn cũng đã trợ sức kịp lúc, giúp công nhân vững lòng trước khó khăn. Không chỉ vậy, hàng chục ngàn công đoàn cơ sở cũng hưởng ứng chương trình “mỗi công đoàn cơ sở một lợi ích đoàn viên” hỗ trợ hàng triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các chương trình, hoạt động thiết thực.

Ông TRẦN CHÍ VĨ, Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc TPHCM: Đồng bộ chính sách chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số

Trên cơ sở vận dụng những chính sách của Trung ương cũng như căn cứ tình hình thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số, TPHCM có nhiều phương án hỗ trợ phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển toàn diện cho đồng bào. Trong đó có chương trình, đề án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác thoát nghèo, đào tạo nghề, tạo việc làm cũng như tặng học bổng, hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh…

Trong hoạt động của mình, Ban Dân tộc TPHCM thường xuyên phối hợp các đơn vị liên quan nắm bắt dư luận xã hội, giải đáp các kiến nghị, khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông TRẦN VĂN TIÊN, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM: Nâng cao chất lượng giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ TPHCM đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay đạt hơn 2.664 tỷ đồng, tăng hơn 369,5 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2022 với hơn 45.905 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.

Bên cạnh đó, TPHCM đã bổ sung vốn, chính sách theo tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM để hỗ trợ giảm nghèo. Điều này góp phần hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, góp phần phát triển hệ thống an sinh xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo bền vững của thành phố.

THÁI PHƯƠNG - NGÔ BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xay-dung-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-da-tang-thuc-tien-tu-tphcm-an-sinh-de-an-dan-post710911.html