Xây dựng chính sách trọng dụng nhân tài

Góp ý xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều doanh nhân cho rằng, xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô là đúng đắn, cần thiết, và kỳ vọng, dự Luật được thông qua sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Thủ đô sẽ có những điều kiện tốt hơn.

Chung tay thực hiện trách nhiệm xây dựng Thủ đô

Mới đây, Báo Kinh tế và Đô thị và Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân... đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho dự thảo Luật.

Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm góp phần xây dựng Thủ đô. Ảnh minh họa

Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm góp phần xây dựng Thủ đô. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, Hiệp hội được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định thành lập 10 năm qua, hiện có hàng trăm doanh nghiệp đang trực tiếp hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô.

Các doanh nghiệp rất phấn khởi với việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012, trong đó, bổ sung Điều 16 trong dự thảo Luật về “Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, mà trước đây, Luật Thủ đô năm 2012 chưa có.

Thời gian qua, Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã đóng góp ý kiến về dự thảo Luật thông qua các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất các cấp ngành Trung ương, thành phố Hà Nội cần sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô lần này, ngay sau khi được Quốc hội thông qua, để Luật thực sự đi vào đời sống Nhân dân.

Ông Vân tin tưởng, những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp của Luật được thông qua sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Thủ đô sẽ có những điều kiện tốt nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp có điều kiện thực hiện trách nhiệm xây dựng Thủ đô, bởi xây dựng Thủ đô không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn của người dân, doanh nghiệp.

Theo Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME) Trịnh Thị Ngân, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội có trên 10 nghìn hội viên. Với các quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô, bà Ngân mong muốn sau khi Luật được thông qua, sẽ có đội ngũ cán bộ, công chức có tài, có đức, thật sự thấu hiểu doanh nghiệp, đưa ra những chính sách thật sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ cho doanh nghiệp, phục vụ cho phát triển.

Nhấn mạnh con người luôn là nhân tố quan trọng, chủ chốt trong phát triển, bà Ngân cho rằng, để thu hút được nhân tài, xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần kế thừa quy định của Luật Thủ đô năm 2012 và có những điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, hiệu quả hơn.

Bà Ngân kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ về thuế để doanh nghiệp có nguồn chi cho đào tạo chất lượng cao trong và ngoài nước, vì hiện nay nguồn chi cho đào tạo thường xuyên rất thấp, nếu doanh nghiệp muốn đào tạo chất lượng cao, đại học, trên đại học để đưa chất lượng sản phẩm nâng lên. Thời gian qua, đổi mới khoa học công nghệ rất mạnh mẽ, nên nhu cầu này của doanh nghiệp càng cao.

Phát triển lao động kỹ thuật cao

Ông Nguyễn Thanh Đặng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển N&G (N&G Group) cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, trong đó ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao có vai trò rất quan trọng. Hà Nội cần có giải pháp thu hút, phát triển nhân tài, nguồn lực lao động chất lượng, công nhân kỹ thuật cao.

Một trong các nội dung quan trọng là cần quy hoạch đồng bộ, chuyên sâu cho lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, cần có các khu công nghiệp, khu công nghệ cao với hệ sinh thái công nghiệp quốc tế phù hợp với ngành công nghệ cao - công nghiệp hỗ trợ và chíp bán dẫn.

Hiện nay, Hà Nội đã có Khu Công nghệ cao Hòa lạc và Khu Công nghệ Hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP), đây chính là địa chỉ rất tốt để cùng các khu công nghệ khác của Thủ đô tham gia phát triển ngành công nghiệp thế hệ mới của thế giới và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội...

Hiện nay, chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực của Thủ đô đang được thực hiện theo các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Điều 13 Luật Thủ đô năm 2012 quy định “Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”.

Trên cơ sở đó, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 quy định về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Mới chỉ đưa ra chính sách tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể để thu hút đầu vào; chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập và thăng tiến cũng như các điều kiện đãi ngộ khác; chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư...

Chính vì thiếu cơ chế, thiếu nguồn lực thực hiện việc đãi ngộ, đặc biệt là nguồn lực tài chính nên chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn.

Vì vậy, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa vấn đề chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một chính sách đúng đắn, cần thiết đối với Hà Nội hiện nay. Trong nền kinh tế tri thức, cạnh tranh chủ yếu là cạnh tranh “chất xám”, cạnh tranh “nhân tài”, quốc gia nào, địa phương nào có được nguồn nhân lực chất lượng cao, với đội ngũ nhân tài hùng mạnh, quốc gia đó, địa phương đó có khả năng phát triển nhanh, mạnh và bền vững...

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo Bộ Tư pháp, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 7 chương, 54 điều. So với dự thảo Chính phủ trình giảm 5 điều (bỏ 7 điều và bổ sung mới 2 điều).

Dự thảo Luật được chỉnh lý bảo đảm các nguyên tắc: Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013; đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không thay thế toàn bộ các luật hiện hành; bám sát 9 nhóm chính sách đã được thông qua; cụ thể tối đa cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay; những vấn đề ủy quyền thì quy định ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền theo pháp luật, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ; thực hiện việc phân quyền mạnh, đồng thời quy định trách nhiệm tương ứng của Hà Nội gắn với quy trình, thủ tục và cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-chinh-sach-trong-dung-nhan-tai-170944.html