Xây dựng chỗ đứng cho sách nền tảng

Dòng sách cung cấp những tri thức nền tảng cho đến nay vẫn còn khá xa lạ và chưa tạo được dấu ấn đậm nét với độc giả. Điều này khiến việc ra mắt những cuốn sách nền tảng trở thành cuộc chơi mạo hiểm, đầy gian nan đối với những người làm sách trong nước.

Dòng sách cung cấp những tri thức nền tảng cho đến nay vẫn còn khá xa lạ và chưa tạo được dấu ấn đậm nét với độc giả. Điều này khiến việc ra mắt những cuốn sách nền tảng trở thành cuộc chơi mạo hiểm, đầy gian nan đối với những người làm sách trong nước.

_______________________

Nằm trên con phố Trường Chinh nhộn nhịp, thời gian qua Book Hunter đã trở thành địa chỉ được đông đảo tín đồ yêu thích dòng sách nền tảng, đam mê nâng cao tri thức biết đến rộng rãi. Có thể nói, bên trong trung tâm sách ấm cúng bởi màu vàng của những bóng đèn sợi đốt quyện cùng mùi ngào ngạt của cà phê rang xay, rất nhiều dự án dịch thuật các đại danh tác của thế giới như “Luân lý học” (Aristotle), “Rumi tinh tuyệt”, “Bhagavad Gita”… đã được chắp cánh.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên, người sáng lập Book Hunter.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên, người sáng lập Book Hunter.

Chia sẻ về ý tưởng tham gia vào thị trường sách nền tảng với Tạp chí Ngày Nay, nhà văn Hà Thủy Nguyên, người sáng lập Book Hunter, cho biết hàng chục năm nay chị đã quen với việc làm nhiều danh sách tác phẩm chất lượng trong và ngoài nước, viết những bài điểm sách công phu để giới thiệu một số tác phẩm mà nữ nhà văn tin rằng liên quan trực tiếp đến xã hội Việt Nam hiện tại, cung cấp khối tri thức vừa nền tảng vừa thiết thực cho người Việt.

Tuy nhiên, càng kỳ vọng thì những dự án dịch thuật càng vắng bóng, đó là lúc cây bút vốn muốn dành toàn tâm toàn ý cho sáng tác của Hà Thủy Nguyên phải vận động. Cùng với chồng là dịch giả Lê Duy Nam, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và giáo dục Lyceum, chị chuyển hướng sang tổ chức dịch thuật và hiệu đính nhiều cuốn sách nằm trong dòng tư tưởng, triết học, lịch sử và nghệ thuật thế giới.

“Vào năm 2016, Book Hunter từng ra một list sách lấy tên là 100 cuốn sách nền tảng. Trong đó, chúng tôi đưa ra khái niệm sách nền tảng là những cuốn đại diện cho một lĩnh vực, chủ đề chuyên biệt. Để bước vào lĩnh vực đó cũng như có sự hiểu biết cao hơn, chúng ta bắt buộc phải đọc qua. Như vậy sẽ có rất nhiều khía cạnh như sách nền tảng về khoa học, nghệ thuật, quản trị đô thị, triết học... Ở mỗi khía cạnh lại phân nhánh nhỏ hơn như sách nền tảng về triết học của Aristotle, Schopenhauer hay Nietzsche…”, Hà Thủy Nguyên chia sẻ.

Để một cuốn sách tri thức nền tảng đến tay của độc giả, đội ngũ Book Hunter phải đầu tư rất nhiều từ việc tuyển chọn đến xây dựng dự án, quản lý nhóm dịch giả, làm việc với các nhà xuất bản, truyền thông, cuối cùng là phân phối sản phẩm. Sau một năm thành lập, bài toán Book Hunter phải giải là làm thế nào để hòa vốn, xoay vòng tái đầu tư tác phẩm khác, chưa tính đến chuyện có lãi. Đây cũng là cản trở trong việc mở rộng hoạt động đối với một công ty sách nhỏ, không có nhiều điều kiện kinh tế để dấn thân làm những dòng đột phá.

Dẫu vậy, có đôi lúc, những nỗ lực của Book Hunter nhận được sự cộng hưởng từ cộng đồng, như có thêm thành viên đam mê dịch thuật, thậm chí được tác giả hỗ trợ về bản quyền. Hà Thủy Nguyên và các cộng sự không quên kể về hành động hào phóng của nữ tác giả Anne Firth Murray (Mỹ), người đã từng được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Khi bà Murray biết Book Hunter có ý định chuyển ngữ cuốn sách “Từ phẫn nộ đến can đảm” (tựa gốc “From Outrage to Courage” - PV), tác phẩm viết về tình trạng bất bình đẳng đối với phụ nữ ở những quốc gia nghèo và cách họ hành động để thay đổi bối cảnh xã hội, bà đã quyết định tặng miễn phí bản quyền vì hiểu sự khó khăn của nhà sách trẻ cũng như thị trường xuất bản tại Việt Nam.

Sở hữu nền học vấn lâu dài, cần nhận định việc ấn hành các tác phẩm được định nghĩa trong khái niệm sách tri thức nền tảng không phải xu hướng đột biến, mới xuất hiện tại Việt Nam. Từ xa xưa, những cuốn sách thể hiện tư tưởng, triết lý như sách Lão Tử, Trang Tử… là dòng sách đã được định hình, có lượng đọc ổn định với nhóm độc giả đông đúc, phát triển qua từng thế hệ bởi mang đến những bài học có giá trị chiêm nghiệm sâu sắc.

Bên cạnh mảng sách tư tưởng, đúc rút kinh nghiệm theo truyền thống phương Đông nói trên, dòng sách triết học thuần túy thiên về phương thức, kỹ thuật tư duy của các tư tưởng gia nổi danh thế giới cũng được du nhập về Việt Nam. Tiền đề của dòng sách này đến từ các trí thức Tây học, đặc biệt nhóm trí thức miền Nam đã đóng góp rất nhiều trong việc phổ biến dòng sách triết luận phương Tây.

Cả hai dòng sách tư tưởng và triết học đã hợp lưu, hòa cùng những mảng sách liên quan đến tri thức nền tảng đã có sự trỗi dậy như một xu hướng xuất bản từ những năm 2005 - 2006. Đó là thời gian các nhà xuất bản, công ty phát hành sách như NXB Trí Thức, Nhã Nam, Alphabook, Đông Tây trở thành những đơn vị mạnh dạn trong việc đặt lại vấn đề xuất bản dòng sách này.

Ban đầu những cuốn sách tri thức nền tảng chỉ xuất hiện lác đác trên giá kệ của một vài đơn vị phân phối lớn, chủ yếu hướng tới đối tượng độc giả là dân nghiên cứu, người trung tuổi hoặc những nhà sưu tầm sách. Nhưng lượng tiêu thụ của dòng sách này đã mang đến tín hiệu khả quan khi tạo ra những cơn sốt trên thị trường với “Thế giới như tôi thấy” (NXB Tri thức), “Zarathustra đã nói như thế” (Nhã Nam), “Cộng Hòa”, “Chính trị luận” (Omega+)...

“Có thể thấy nhu cầu về dòng sách không đến từ chiến lược kích cầu thị trường mà xuất phát từ nhu cầu tự nhiên. Tri thức nền tảng tuy là những giá trị phi vật thể không nhìn thấy nhưng luôn hiện hữu ở đó, là bệ đỡ cho rất nhiều lĩnh vực khác dù nó ít khi thể hiện ở dạng bề nổi của truyền thông hay sự quan tâm đông đảo của dư luận”, nhà văn Hà Thủy Nguyên khẳng định.

Tuy nhiên, cùng với mặt tích cực, các đơn vị làm sách tại Việt Nam cũng đã và đang đối mặt với bài toán “cân não” khi khai phá thị trường sách nền tảng.

Với kinh nghiệm của một đơn vị có hơn 20 năm trong làng xuất bản, bà Phạm Thị Bích Hồng, Giám đốc NXB Tri Thức, cho biết Tri Thức là một trong những nhà xuất bản hiếm hoi làm chuyên biệt về dòng sách nền tảng. Trong đó, Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới của đơn vị đã ghi dấu ít nhiều với độc giả trong nước. Dù vậy, sau chừng ấy thời gian nỗ lực, Tri Thức mới xuất bản được 1/5 số sách so với mục tiêu 500 cuốn đặt ra ban đầu.

Lý giải về vấn đề trên, dịch giả Việt Long nhận xét tuy quan trọng nhưng việc đưa dòng sách tri thức nền tảng nói chung, khoa học nền tảng nói riêng đến với đông đảo công chúng vẫn là một hành trình gieo neo, thách thức. Dù vậy, các nhà sách vẫn cần mạnh dạn bước chân vào lĩnh vực này để khai mở, tăng cường cách thức giáo dục. Bởi nếu thị trường chỉ có sách giáo khoa, rất có thể dẫn đến một thế hệ mang nặng công thức, không hiểu được những ý nghĩa sâu xa nền tảng, khuyết thiếu về tri thức.

“Hy vọng với nỗ lực trong việc cải tiến hình thức, tạo ra các nội dung phong phú từ phía nhà xuất bản, cũng như việc cố gắng tiếp cận kiến thức từ phía độc giả sẽ giúp nền học thuật nước nhà có bước phát triển đi lên”, dịch giả Việt Long cho biết.

Khi được hỏi về những khó khăn trong việc theo đuổi dòng sách nền tảng trong cương vị của một nhà sách trẻ, nhà văn Hà Thủy Nguyên cho biết việc đầu tư vào mảng sách là một phép tính có nhiều rủi ro, dù trên thực tế không phải cứ chạy theo best seller là tránh được những rủi ro ấy.

Câu chuyện đau đầu nhất đối với Book Hunter trên con đường đến với độc giả có lẽ là câu chuyện phân phối và truyền thông sản phẩm. Hiện tại, có rất ít nhà sách trong thị trường nhận phân phối dòng sách này ngoài những tên tuổi thân quen như Bình Bán Book, Tri Văn, Khai Tâm… Bên cạnh đó, đội ngũ truyền thông của mảng sách này cũng không đủ mạnh và trình độ trong khi những cuốn sách về triết học, nghệ thuật lại cần rất nhiều công truyền thông để làm quen và được công chúng tiếp nhận.

Một vấn đề khác vừa là lợi thế, vừa là khó khăn, đó chính là câu chuyện về định giá sách. Có một thực tế là tại Việt Nam, số lượng người đọc sách rất ít và thấp, trong khi đó, những người đọc sách lại không hẳn là có điều kiện. Nếu các nhà làm sách giữ mặt bằng chung là người làm sách phải chịu thiệt thì đó không phải là một cuộc chơi lâu dài vì sẽ không còn ai dám dấn thân vào những mảng đột phá, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn.

Với Hà Thủy Nguyên và Book Hunter, bước chân vào lĩnh vực xuất bản, trước khi nghĩ đến thử thách họ đã nhìn thấy và đặt lòng tin vào những lợi thế đang hiển hiện. Theo đó, thị trường sách Việt Nam vẫn là một thị trường sách cởi mở, với nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy.

“Nhìn nhận một cách công tâm, hiện tại không có bên nào cạnh tranh với bên nào, thậm chí đơn vị xuất bản này lại mang đến cơ hội cho đơn vị xuất bản khác và các bên đều có thể cùng nhau ngồi lại, bàn chiến lược cho việc hợp tác phát triển”, Hà Thủy Nguyên đúc rút.

Vừa qua, Lễ hội tri thức nền tảng lần thứ I đã được tổ chức tại Hà Nội, trở thành không gian để các đơn vị theo đuổi dòng sách nền tảng quy tụ, tương tác, trao đổi, thúc đẩy lẫn nhau. Các chuỗi hoạt động hấp diễn xuyên suốt như trưng bày, triển lãm sách theo chủ đề, thương hiệu, nhằm mang đến một bức tranh chung về xuất bản tri thức nền tảng ở Việt Nam đã thu hút đông đảo độc giả tham gia, theo dõi.

Nguyệt Linh

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/xay-dung-cho-dung-cho-sach-nen-tang-post134538.html