Xây dựng chuỗi 'chăn nuôi xanh'

Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành nông nghiệp, song cũng tạo ra hàng chục triệu tấn chất thải rắn mỗi năm và khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc đến từ ngành nông nghiệp, gây áp lực lớn cho môi trường.

Ảnh: minh họa

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chăn nuôi công nghiệp là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường cũng như đã và đang chiếm đáng kể trong tổng phát thải khí nhà kính Việt Nam.

Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm hai nguồn chính: Khí methane từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Phát thải khí methane từ phân động vật gây ra trong điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí methane lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt.

Thống kê đến cuối năm 2023 cho thấy, tổng đàn gia súc, gia cầm cả nước hiện có 26,3 triệu con lợn, 2,2 triệu con trâu, 6,4 triệu con bò, 558,9 triệu con gia cầm đang được chăn nuôi tại 19.660 trang trại nông nghiệp (trong đó có 12.349 trang trại chăn nuôi). Chỉ tính tổng lượng chất thải chăn nuôi đã lên đến hơn 83 triệu tấn và khoảng 379 triệu m3 chất thải lỏng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng được xử lý không đúng kỹ thuật trước khi thải ra môi trường.

Các chuyên gia môi trường cảnh báo, ngành chăn nuôi phát triển mạnh về cả số lượng lẫn quy mô trong thời gian qua, nhưng việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ và trang trại quy mô vừa và nhỏ, thiếu công trình xử lý chất thải đạt chuẩn đang gây ra những hệ lụy đối với môi trường. Trong khi đó, quy hoạch khu chăn nuôi thiếu khoa học và tầm nhìn, nhất là trong các vùng dân cư đông đúc đã gây ra những thảm họa về ô nhiễm môi trường.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đối với ngành chăn nuôi, Việt Nam đã có văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ bao gồm Luật Chăn nuôi, các nghị định, thông tư. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt “Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045”; 4 đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030...

Để chủ động trong việc chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững cũng như đồng hành cùng Chính phủ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đòi hỏi các tập đoàn, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi đổi mới tư duy sản xuất, nhanh chóng tiếp cận vấn đề giảm phát thải trong sản xuất. Theo đó, xây dựng chuỗi “chăn nuôi xanh” không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho ngành chăn nuôi.

Đến nay, các địa phương đã phê duyệt gần 500 dự án chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi chủ động đáp ứng yêu cầu từ Net Zero như đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn, ứng dụng biogas xử lý chất thải thân thiện với môi trường; áp dụng giải pháp dinh dưỡng tinh thay cho dinh dưỡng sử dụng đạm thô quá nhiều đang gây phát thải cao; áp dụng máy móc, thiết bị theo hướng tiết kiệm năng lượng, không sử dụng than đá trong quá trình sản xuất, đồng thời tiến tới thực hiện kiểm kê phát thải carbon trong chăn nuôi...

Chất thải và thức ăn chăn nuôi là hai nhân tố chính trong tổng phát thải khí nhà kính. Do đó, khi kiểm soát tốt hai nhân tố này sẽ giảm đáng kể phát thải carbon ra môi trường. Thiết nghĩ, Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về thuế, tài chính để khuyến khích doanh nghiệp và hộ chăn nuôi chuyển đổi sản xuất theo hướng chăn nuôi tuần hoàn trong chuỗi “chăn nuôi xanh” để ngành chăn nuôi giữ vững tăng trưởng và phát triển bền vững.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-dung-chuoi-chan-nuoi-xanh-post475305.html