Xây dựng chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics

Ngày 12-12, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp Liên minh HTX Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Tạp chí Nhà quản lý tổ chức Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018 với chủ đề 'Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics'. Diễn đàn thu hút hơn 400 đại biểu là các doanh nhân, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà kinh tế trong và ngoài nước tham gia.

Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018 - hợp tác cùng phát triển.

Theo các diễn giả, logistics là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng hằng năm 16-20%. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 64/160 về phát triển logistics và xếp thứ 4 ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái-lan.

Tuy nhiên, hiện nay chi phí giao thông và vận chuyển tại Việt Nam ở mức 25%, trong khi con số này chỉ chiếm 7-15% ở các nước phát triển. Như vậy, chi phí vận chuyển của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước khác. Nguyên nhân là do khâu phát triển logistics còn hạn chế, với cơ sở hạ tầng kém phát triển đi kèm mạng lưới đường bộ quá tải.

Các diễn giả cho rằng, logistics kém phát triển là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất nông sản cao, khó cạnh tranh. Chính vì vậy, bài toán chuỗi giá trị nông nghiệp phải luôn gắn chặt và có quan hệ hữu cơ với phát triển logistics.

Ở Hậu Giang, từ năm 1901, tiềm năng về phát triển nông nghiệp đã được người Pháp phát hiện và đánh thức bằng việc cho xây dựng hệ thống Kênh xáng Xà No - công trình thủy nông lớn nhất Nam Kỳ thời đó, đã thật sự trở thành con đường nông sản sôi động nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Qua hơn 100 năm, nền nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang đã có bước phát triển rất đáng ghi nhận với vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú, rộng lớn bằng nhiều nông sản chủ lực và mặt hàng đặc sản có giá trị khác. Đang dần hình thành vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng lớn với các tổ hợp tác, hợp tác xã và những nông dân tiên tiến.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang có tiềm năng, nhưng mới chỉ là bước đi ban đầu, chưa thể tham gia sâu vào những khâu có giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị nông sản. Hậu Giang cũng nhận thức rằng, mặc dù nền nông nghiệp của tỉnh còn ở mức tiềm năng, chưa được khai thác đúng kỳ vọng, nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu quyết tâm đi những bước thật nhanh, chính xác và đúng hướng để đón đầu xu thế của thế giới, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logictics.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm, thông tin, góc nhìn và hướng tiếp cận mới về xu thế phát triển nông nghiệp của các nước phát triển trên thế giới, đồng thời đề xuất những giải pháp mang tầm chiến lược cho tỉnh Hậu Giang trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản trên nền tảng logistics.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp nông thôn – Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Hậu Giang cần chuyển mạnh nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với nhu cầu của thị trường, như thúc đẩy các dịch vụ lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, vận chuyển hàng hóa. Cùng với đó khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp và mở rộng sản xuất.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Hậu Giang có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt không phải địa phương nào cũng có, như tuyến Kênh xáng Xà No là một tuyến vận tải thủy quan trọng chuyên chở lúa gạo và các sản vật hết sức thuận lợi. Đồng thời, Hậu Giang nằm kế bên Cần Thơ, trung tâm kinh tế, giao thương, văn hóa, giáo dục của đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp tỉnh có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, Hậu Giang có lợi thế lớn trong phát triển nền nông nghiệp xanh cũng như các dịch vụ chế biến, hậu cần trong nông nghiệp.

Thời gian gần đây, Hậu Giang đã có những chủ trương, chính sách được coi là đột phá nhằm đưa tỉnh bứt lên, phát triển xứng tầm với tiềm năng. Đó là tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có việc xác định lại thứ tự ưu tiên là thủy sản, rau quả, lúa gạo… cũng như đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018 được xem như “Hội nghị Diên Hồng” về phát triển nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang. Đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho nhiều hoạt động tiếp theo về hợp tác, đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp, các địa phương trong khu vực, đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

PHÙNG DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38554102-xay-dung-chuoi-gia-tri-nong-san-dinh-huong-thi-truong-tren-nen-tang-logistics.html