Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ: Nhân rộng hiệu quả Cuộc vận động

Bộ Công Thương đang triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ hàng hóa Việt, nhân rộng những hiệu quả sau 10 năm triển khai Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' (CVĐ).

Doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm

Doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm

Sau 10 năm thực hiện, CVĐcủa ngành Công Thương đã đạt được kết quả rất khả quan, nâng tỷ lệ hàng Việt Nam trong hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa thương hiệu Việt đang gặp áp lực cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước với hàng nhập ngoại và do doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài sản xuất. Hơn nữa, không ít mặt hàng còn chưa đủ năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, gây mất uy tín đối với người tiêu dùng…

Chính vì vậy, Bộ Công Thương đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đồng loạt trên các kênh truyền thông có lượng theo dõi cao nhằm đẩy mạnh tôn vinh, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt. Bên cạnh đó, tổ chức những hoạt động mang tính kết nối sâu nhằm kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối để người tiêu dùng tự hào sử dụng hàng Việt Nam, hướng dẫn DN xây dựng thương hiệu Việt.

Song song với đó, vai trò của hệ thống phân phối Việt cũng cần được nâng cao nhằm đảm nhiệm đầu ra hiệu quả cho các DN Việt Nam sản xuất hàng hóa trong nước. Bởi hiện tại, mới chỉ có các hệ thống phân phối hiện đại đáp ứng tốt CVĐ, khi các hệ thống phân phối hiện đại có thương hiệu Việt đã kinh doanh tới hơn 90% hàng hóa sản xuất trong nước.

Hiện nay, chợ truyền thống đang đảm nhiệm hơn 60% lượng hàng hóa trong tổng mức bán lẻ hàng hóa. Vì thế, Bộ Công Thương khuyến khích các hệ thống phân phối truyền thống tham gia tích cực hơn hoạt động quảng bá, vận động tiểu thương tham gia CVĐ. Mặt khác, Bộ sẽ tổ chức các hệ thống phân phối hàng Việt Nam có tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam", những điểm bán hàng Việt Nam không chỉ ở thành phố mà ở cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo; tập huấn kỹ năng phân phối hàng Việt Nam cho các DN và hộ tạp hóa kinh doanh theo phương thức truyền thống trong chợ truyền thống.

Ngoài ra, từ nay đến năm 2020, Bộ Công Thương sẽ lên kế hoạch triển khai rất nhiều đề án chương trình do Chính phủ phê duyệt. Chẳng hạn, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn CVĐvới nhiều giải pháp hỗ trợ rất lớn cho các DN về truyền thông, tôn vinh quảng bá sản phẩm và thương hiệu uy tín. Ngoài ra, hai đơn vị của Bộ Công Thương là Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đang phối hợp với Vụ Thị trường trong nước ra mắt chương trình thương mại điện tử, đưa hàng hóa từ 20.000 điểm bán hàng bình ổn hiện có do Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh khởi xướng đến tay người tiêu dùng.

Cùng với những nỗ lực của Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho rằng, bản thân các DN cũng đang dần thay đổi nhận thức. Rõ ràng, thị trường với gần 100 triệu dân của Việt Nam rất quan trọng. Muốn chinh phục thị trường nước ngoài và hướng tới xuất khẩu, trước hết, DN cần chú trọng đến thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu bức thiết đối với DN là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất và nâng tầm thương hiệu. Để góp phần tăng nội lực, các DN cần cải thiện hơn nữa hình ảnh thương hiệu cũng như chất lượng, mẫu mã của sản phẩm. Đặc biệt là uy tín đối với thương hiệu, sản phẩm của mình, kể cả các dịch vụ từ bán hàng cho đến hậu mãi.

Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến 2025, tầm nhìn 2035 được kỳ vọng sẽ được Chính phủ sớm phê duyệt, tạo ra chuỗi liên kết hàng hóa Việt Nam tiêu thụ tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-chuoi-lien-ket-tieu-thu-nhan-rong-hieu-qua-cuoc-van-dong-123084.html