Xây dựng cơ chế để đại biểu Quốc hội có thể chủ động tương tác về các vấn đề báo chí quan tâm

Ngày 8-8, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) tổ chức Hội thảo báo chí với hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, thời gian qua, Văn phòng Quốc hội luôn tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự, đưa tin về hoạt động của Quốc hội. Trong lịch sử hình thành, phát triển của Quốc hội, báo chí và Quốc hội luôn có mối quan hệ mật thiết, trong đó báo chí giữ vai trò là cầu nối chuyển tải thông tin từ Quốc hội tới người dân, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân tới diễn đàn Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm VPQH cũng khẳng định, hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong thời gian qua luôn được các cơ quan thông tấn, báo chí bám sát và phản ánh kịp thời tới cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, báo chí cũng góp phần quan trọng trong việc chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân tới Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri giám sát hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, hiện nay công tác tổ chức thông tin báo chí vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, cần có cơ chế phối hợp giữa VPQH với các cơ quan của Quốc hội trong việc bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác.

Hội thảo báo chí với hoạt động của đại biểu Quốc hội. Ảnh: P. Thảo

Đặc biệt, trước yêu cầu đổi mới về các mặt hoạt động của Quốc hội đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, cũng đòi hỏi các cơ quan báo chí không ngừng nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, luôn trau dồi, tăng cường năng lực, kỹ năng cho đội ngũ PV nghị trường. Đồng thời cần quan tâm tập huấn, tăng cường kỹ năng cho đại biểu Quốc hội tích cực, chủ động tiếp xúc với báo chí, góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó, tự tin giữa đại biểu Quốc hội với báo chí.

Tham luận về đề tài “Nâng cao năng lực tương tác với báo chí của đại biểu Quốc hội Việt Nam”, ông Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, năng lực tiếp xúc và tương tác với báo chí là một trong những phẩm chất cần có của đại biểu Quốc hội. Vì báo chí là nguồn cung cấp thông tin, là phương tiện truyền tải ý kiến, quan điểm của đại biểu Quốc hội, là kênh tạo lập hình ảnh của đại biểu trước cử tri và công chúng. Đồng thời, tương tác với báo chí, đại biểu Quốc hội cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí.

Trong thực tế, còn nhiều đại biểu Quốc hội ngại tiếp xúc, né tránh hoặc không sẵn sàng tương tác với báo chí, các ý kiến mang tính phân tích, đối thoại chưa nhiều. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan báo chí, thông qua qua đó các đại biểu Quốc hội có thể chủ động tương tác về các vấn đề báo chí quan tâm, đồng thời, cần tăng cường và năng cao năng lực của bộ máy giúp việc và hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong tương tác, tiếp xúc với báo chí. Bên cạnh đó, cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhà báo nghị trường, tạo lập sự hợp tác giữa nhà báo và đại biểu Quốc hội, nhà báo có thể đóng vai trò chuyên gia truyền thông cho một hoặc một số đại biểu Quốc hội.

Nói về đại biểu Quốc hội nên ứng xử thế nào trên mạng xã hội, nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn truyền thông Le Group, GĐ khu vực châu Á – Thái Bình Dương của mạng lưới maketting và quảng cáo độc lập toàn cầu cho rằng, các đại biểu Quốc hội nên hiểu rõ đối tượng nói chuyện, thận trọng khi đăng tải hoặc chia sẻ thông tin, hạn chế đăng tải thông tin cá nhân và không bình luận những điều còn tranh luận trên nghị trường.

Đồng thời, theo ông Vinh, các ĐBQH cũng nên có nguyên tắc nhất quán về các nội dung thảo luận trên mạng xã hội, tránh thảo luận vấn đề riêng tư, hoàn toàn kiểm soát bình luận và không tranh cãi trên mạng.

Ông Kuboya, giảng viên ĐH Tokai, Nhật Bản cho rằng, đối với nghị sĩ thì câu chữ gắn với vận mệnh chính trị, vì vậy nghị sĩ cần chú ý câu chữ, lời nói của mình được lưu truyền trên mạng như thế nào, mà không nên phó thác cho người khác phụ trách…

Tại hội thảo, các đại biểu Quốc hội, nhà báo, các chuyên gia cũng đã thảo luận về: Hoạt động sử dụng truyền thông mạng - mạng xã hội của nghị sĩ; vai trò và ảnh hưởng của mạng xã hội đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội; kỹ năng tiếp xúc và tương tác với báo chí của đại biểu Quốc hội Việt Nam…

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/xay-dung-co-che-de-dai-bieu-quoc-hoi-co-the-chu-dong-tuong-tac-ve-cac-van-de-bao-chi-quan-tam-158468.html