Xây dựng công viên xanh trên bãi giữa, bãi nổi sông Hồng

Thông qua Tọa đàm 'Xây dựng công viên văn hóa đa chức năng khu vực bãi giữa, bãi nổi sông Hồng: Cơ hội kết nối cộng đồng với thiên nhiên' vừa diễn ra tại Hội trường UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), các chuyên gia trình bày và thảo luận về một số ý tưởng xây dựng công viên nhằm hướng tới môi trường sống xanh, phát triển bền vững và sáng tạo.

Toàn cảnh tọa đàm “Xây dựng công viên văn hóa đa chức năng khu vực bãi giữa, bãi nổi sông Hồng: Cơ hội kết nối cộng đồng với thiên nhiên”.

“Hồi sinh” quỹ đất nội đô

Trải qua thời gian, sông Hồng được người dân đồng bằng Bắc bộ gọi là dòng sông “mẹ”, đã gắn bó và chứng kiến nhiều dấu mốc vàng son từ cuộc kháng chiến vệ quốc cho tới những năm tháng kiến quốc trong lịch sử dân tộc. Xung quanh dòng sông là những công trình di sản như cầu Long Biên, Nhà hát Lớn Hà Nội, Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột…

Theo chiều dài dòng sông, khu vực bãi ven sông Hồng thuộc địa giới hành chính của 3 quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình và bãi nổi giữa sông Hồng có thêm quyền quản lý của quận Long Biên với diện tích lần lượt là 63,2 ha và 328 ha. Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, bãi nồi giữa cùng bãi ven sông Hồng là không gian duy nhất còn lại để tạo dựng không gian công cộng và văn hóa gắn bó mật thiết với môi trường sinh thái. Đồng thời, kết nối đồng bộ với “khu phố cổ”, “khu phố cũ” thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và các làng trồng hoa tại quận Tây Hồ, Long Biên, góp phần đẩy lùi nạn lấn chiếm đất tại hai khu vực trên.

Vị trí bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Ảnh: Tài liệu tọa đàm.

Bởi lẽ, trên thực tế, nhiều hoạt động tự phát diễn ra trên đa số các diện tích đất hoang hóa do chưa được Nhà nước đưa vào khai thác. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, chia sẻ: “Bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng chủ yếu là đất trồng rau màu, cây cảnh và một phần đất ở trái phép của một bộ phận dân ngụ cư. Bên cạnh đó, khu vực này còn được người dân sử dụng phục vụ mục đích vui chơi giải trí”.

Giải thích thêm về hiện trạng của hai khu vực, ThS-KTS. Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm, cho biết những năm gần đây mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao nên diện tích bãi nổi giữa và bãi ven sông ít thay đổi. Ngoài ra, công tác quản lý đất đai chưa nhận được quan tâm đúng mức dẫn đến việc vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng.

Do vậy, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Ban chấp hành Trung ương về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được UBND Thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo xây dựng thành công viên văn hóa đa chức năng.

Xây dựng công viên hài hòa giữa văn hóa và thiên nhiên

Giải thích khái niệm “công viên văn hóa đa chức năng”, PGS- TS. Phạm Hùng Cường, Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội, cho rằng yếu tố văn hóa gồm hai khía cạnh, tức các hoạt động mang tính chất văn hóa và không gian văn hóa biểu hiện qua kiến trúc. Ngoài ra, hệ sinh thái cũng cần được quan tâm và coi trọng.

Khu vực bãi giữa sông Hồng có diện tích khoảng 23 ha nằm chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được dự kiến phát triển thành công viên văn hóa, du lịch. Ảnh: VietnamBiz

Gợi mở ý tưởng cho xây dựng công viên tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng, ThS-KTS. Nguyễn Toàn Thắng trình bày một số chức năng của công viên như các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, khám phá văn hóa – tín ngưỡng của đồng bằng Bắc bộ hoặc công viên rừng, hoa…Trong đó, chú trọng phát triển mô hình xanh và tạo lập không gian xanh.

TS. Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD), đề cao việc xây dựng công viên cần hài hòa với hệ sinh thái. Trong đó, bãi nổi giữa sông Hồng đóng vai trò quan trọng đối với chim di cư bởi nằm ở trung tâm của tuyến di cư Đông Á – Úc châu. Qua khảo sát 232 loài chim tại khu vực trên, có 192 loài di cư (chiếm 83%), 38 loài định cư (chiếm 16%) và 1 loài di cư sinh sản (chiếm 1%).

Bên cạnh đó, ThS. Lê Quang Bình, Điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, nhấn mạnh địa điểm bãi nổi giữa sông Hồng tập trung đông dân cư bao gồm 6 nhóm: Canh tác nông nghiệp, chăn nuôi; kinh doanh nhà hàng, du lịch sinh thái; mua đất để nghỉ dưỡng; nhóm người lao động nghèo sống tạo xóm Phao; kết nối với thiên nhiên với các hoạt động thể dục, thể thao và cuối cùng là nhóm thực hiện các chuyến du lịch tại bãi giữa.

Vì vậy, ThS. Lê Quốc Bình đề xuất xây dựng công viên gắn với bảo tồn thiên nhiên, tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch và xem xét chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân tại khu vực trên.

Việc chuyển đổi bãi giữa, bãi nổi sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng, nhưng chú trọng đến bảo lưu yếu tố xanh – sinh thái, nếu được hoạch định một cách hợp lý và dựa trên cơ sở khoa học, sẽ góp phần “đánh thức” một không gian công cộng, không gian văn hóa tiềm năng của đô thị Hà Nội.

Tiếp nối hội thảo “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng – Tầm nhìn và giải pháp” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, UBND Thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, phối hợp với Tạp chí Kiến trúc tổ chức cuộc thi “Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng”.

Dự kiến Lễ trao giải và công bố kết quả cuộc thi sẽ vào tháng 10.2024, với tổng giá trị giải thưởng là 1 tỷ đồng.

Minh Trang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/xay-dung-cong-vien-xanh-tren-bai-giua-bai-noi-song-hong-43665.html