Xây dựng đặc khu kinh tế: Thực tiễn Trung Quốc và đề xuất cho Việt Nam

Với sự hỗ trợ từ Chính phủ, các đặc khu kinh tế đã trở thành nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khảo sát kinh nghiệm xây dựng các mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc thời gian qua, bài viết đề xuất những gợi ý đối với việc phát triển và xây dựng các mô hình đặc khu kinh tế tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh nghiệm xây dựng mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc

Vào thời điểm cuối những năm 1970 của thế kỷ XX, trước hiện trạng một nền kinh tế quốc dân lâm vào suy thoái, trào lưu kinh tế mới đang xuất hiện trên thế giới, Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng nhìn nhận lại con đường phát triển của mình.

Hiểu rõ xu thế vận động quốc tế, một chiến lược mở cửa với nhiều biện pháp khác nhau đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề ra. Trong đó, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng một mô hình kinh tế hoàn toàn mới để kết hợp tiềm năng trong nước và xu thế quốc tế, đó là mô hình đặc khu kinh tế (ĐKKT).

Các ĐKKT xuất hiện ở Trung Quốc trong những năm đầu thập kỷ 80 và nhanh chóng trở thành chiếc cầu nối những luồng tư bản khổng lồ từ các nước tư bản và các nước công nghiệp mới, với một thị trường lao động và tiêu thụ hàng hóa 1,2 tỷ người. Mặc dù ĐKKT ban đầu chỉ được Trung Quốc triển khai với tư cách là một mô hình thử nghiệm nhưng mô hình này đã gặt hái được khá nhiều thành tựu.

Với mục tiêu xây dựng các ĐKKT thành những “Hồng Kông xã hội chủ nghĩa”, Trung Quốc đặc biệt chú trọng tới việc lựa chọn địa điểm xây dựng đặc khu. Các khu vực được chọn đều ở gần các tuyến giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không, tạo nên cửa ngõ hữu hiệu nối liền kinh tế nội địa với kinh tế thế giới.

Chính phủ Trung Quốc đã mạnh dạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chấp nhận chi phí và rủi ro. Điển hình từ năm 1980 - 1983, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 1,9 tỷ NDT (tương đương khoảng 980 triệu USD) vào việc xây dựng các công trình ở Thâm Quyến.

Để đẩy nhanh quá trình xây dựng ĐKKT trong giai đoạn đầu thành lập, chính quyền các đặc khu đã nghĩ ra nhiều cách thức huy động vốn bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Các ngân hàng được khuyến khích tối đa trong việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài đặc khu, để tạo nguồn cho đặc khu vay.

Các công ty xây dựng cũng ra sức huy động vốn qua các hình thức tín dụng tài trợ dự án, hoặc yêu cầu người có nhu cầu sử dụng cơ sở hạ tầng ứng trước một phần vốn để xây dựng.

Đặc biệt, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào đặc khu, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các chính sách ưu đãi hấp dẫn các nhà đầu tư, tạo nên môi trường kinh doanh thông thoáng và thuận lợi.

Các chính sách ưu đãi của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở các ưu đãi về thuế, mà còn ưu tiên về thị trường tiêu thụ sản phẩm, về sử dụng đất, phân chia thu nhập tài chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với việc xuất nhập cảnh của nhà đầu tư nước ngoài...

Cụ thể, các khoản đầu tư này sẽ không phải nộp thuế nếu chưa thu về lợi nhuận. Các doanh nghiệp (DN) sẽ được miễn thuế trong 2 năm đầu tiên. Trong năm thứ 3 và thứ 4, DN sẽ chỉ phải trả 50% sắc thuế thông thường. Chỉ tới năm thứ 5, DN mới phải trả thuế đầy đủ.

Ngoài ra, các DN tập trung vào dự án nông nghiệp, bảo vệ môi trường và năng lượng sẽ được hưởng thời gian miễn thuế là 3+3 năm kể từ thời điểm DN có lợi nhuận sẽ được miễn thuế 3 năm và trả thuế với thuế suất 50% trong 3 năm, thay vì 2+2 năm. Còn các DN đầu tư vào sản xuất vi mạch điện tử thì thời gian miễn thuế là 5+5 năm.

Khảo sát cho thấy, các ĐKKT đã đóng góp 22% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong những năm vừa qua và góp phần tạo ra hơn 30 triệu việc làm; chiếm 45% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc.

Một trong những ĐKKT điển hình thành công của Trung Quốc là Thâm Quyến, Thành phố giáp ranh với Hồng Kông. Thâm Quyến trở thành ĐKKT của Trung Quốc vào năm 1980 với kỳ vọng thu hút đầu tư từ các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, đến cuối năm 1981, 91% FDI lại chỉ tập trung vào Hồng Kông. Nguyên nhân chủ yếu là do Chính phủ Trung Quốc thiếu những quy định cụ thể liên quan đến mức lương, thuế và sa thải lao động.

Nhận thức được những tồn tại về chính sách pháp lý, tháng 1/1982, Chính phủ Trung Quốc thông qua 5 quy định mới nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính ở các ĐKKT, đặc biệt là về quy trình gia nhập và rời khỏi ĐKKT, cũng như hướng dẫn về tiền lương...

Tại các ĐKKT, Chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ việc can thiệp trực tiếp vào các vấn đề kinh tế của địa phương, thống nhất quản lý ở tầm vĩ mô. Trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc không vi phạm chính sách chung, chính quyền đặc khu được trao quyền rất lớn, trong đó có cả quyền lập pháp, hành pháp, quyền cấp giấy phép đầu tư, quyền quy hoạch và bán quyền sử dụng đất, quyền có ngân sách riêng và lập kế hoạch tài chính trực tiếp với Trung ương. Nhờ vậy, năng lực quản lý của các ĐKKT được nâng cao, góp phần vào việc điều tiết nền kinh tế đặc khu theo đúng cơ chế thị trường.

Năm 1992, Thâm Quyến thu hút 14% tổng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc (4,3 tỷ USD). Hiện tại, Thâm Quyến trở thành một trong những trung tâm xuất, nhập khẩu chính với một nền tảng sản xuất tiên tiến. Theo Wikipedia, với vốn hóa thị trường của các DN niêm yết khoảng 2.285 tỷ USD vào năm 2015, Thâm Quyến là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ 8 trên thế giới và lớn thứ 4 tại Đông Á và châu Á...

Như vậy, việc trao quyền cho chính quyền các đặc khu để các cấp quản lý này chủ động linh hoạt trong công tác quản lý, kịp thời đưa ra những chủ trương chính sách phù hợp với yêu cầu thực tế, đã góp phần tạo nên thành công lớn của các ĐKKT.

Một số gợi ý cho Việt Nam

Là quốc gia láng giềng có những điểm tương đồng với Trung Quốc, do đó những kinh nghiệm trong xây dựng các mô hình ĐKKT của Trung Quốc có giá trị tham khảo đối với Việt Nam. Cụ thể:

Thứ nhất, xác định rõ chức năng của ĐKKT là nhân tố cơ bản quyết định sự thành công của các ĐKKT. Trong điều kiện và nhu cầu phát triển kinh tế ở Việt Nam, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất đều phải thực hiện chức năng cơ bản là tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là yếu tố quan trọng để khắc phục và cải thiện tình trạng thiếu vốn và công nghệ hiện nay của Việt Nam.

Thứ hai, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là nhân tố quan trọng thu hút các dự án đầu tư vào các ĐKKT. Xuất phát từ ý tưởng xây dựng ĐKKT trở thành nơi du nhập vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, Trung Quốc đã nhanh chóng cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang bị hệ thống giao thông, điện nước, thông tin liên lạc khá hoàn chỉnh tại các ĐKKT; đồng thời, có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông thoáng, hoàn chỉnh, chặt chẽ, tạo điều kiện tối đa cho DN đến đầu tư kinh doanh.

Thứ ba, thực hiện thể chế quản lý đặc biệt và hệ thống chính sách ưu đãi mang tính khuyến khích cao. Có thể nói, cơ chế quản lý và hệ thống chính sách ưu đãi là khâu then chốt đầu tiên, có tác dụng quyết định thành công của các bước đi tiếp theo trong quá trình phát triển các ĐKKT.

Thứ tư, hiệu chọn mô hình kinh tế phù hợp với mục tiêu xây dựng ĐKKT. Chủ trương xây dựng mô hình ĐKKT của Trung Quốc theo hướng tổng hợp, phối hợp hài hòa giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, tài chính, khu đô thị… Có thể nói ĐKKT là một mô hình độc đáo, không thuần túy gia công hàng hóa xuất khẩu như khu chế xuất, không hoạt động theo cơ chế khu mậu dịch tự do, cũng không đơn thuần là mô hình sản xuất công nghiệp tập trung của các khu công nghiệp. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam cần tham khảo khi xây dựng các khu kinh tế đặc biệt.

Thứ năm, lựa chọn địa điểm thích hợp để xây dựng khu kinh tế. Với bờ biển chạy suốt chiều dài đất nước, khoảng cách giữa các vùng kinh tế lại nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, Việt Nam có khá nhiều lợi thế khi xây dựng các mô hình tương tự ĐKKT. Các khu vực này sẽ dễ dàng phát huy vai trò cầu nối, có điều kiện hỗ trợ, lôi kéo mạnh hơn đối với các vùng kinh tế khác.

Tài liệu tham khảo:

1. PGS., Nguyễn Văn Hồng, Trung Quốc cải cách mở cửa – Những bài học kinh nghiệm, NXB Thế giới, 2003;

2. Nguyễn Minh Hằng, Việc thành lập các đặc khu kinh tế ở Trung Quốc, Nghiên cứu Trung Quốc, Số 5.1996;

3. ThS. Nguyễn Ngọc Dung, Kinh nghiệm quốc tế về phát triển mô hình đặc khu kinh tế; Tạp chí Tài chính kỳ 2, tháng 2/2016.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/xay-dung-dac-khu-kinh-te-thuc-tien-trung-quoc-va-de-xuat-cho-viet-nam-122104.html