Xây dựng Đảng - nhiệm vụ then chốt

Không phải đến bây giờ Đảng ta mới xác định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là vấn đề vừa có tính nguyên tắc, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Lịch sử cách mạng Việt Nam trong hơn 91 năm qua là minh chứng sinh động, có tính thuyết phục cao trong xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”.

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu”. Tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế”.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Nhìn vào thực tiễn cách mạng, chúng ta thấy rất rõ những thành tựu đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kết quả đó vừa thể hiện tính kế thừa những thành tựu qua các kỳ đại hội kể từ khi Đảng ta được thành lập cho tới nay, vừa thể hiện bản lĩnh, khát vọng phấn đấu, hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Đặc biệt, dấu ấn trong nhiệm kỳ Đại hội XII với nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm hết sức rõ ràng: Kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không những Đảng tự mình làm trong sạch đội ngũ, mà quan trọng hơn, có ý nghĩa hơn là củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, xứng đáng với vai trò đảng cầm quyền, đại diện cho quyền lợi của cả dân tộc. Kết quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong điều kiện rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là những năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội XII, nhưng bằng bản lĩnh, trí tuệ và sự chung sức, đồng lòng của cả dân tộc, Đảng đã lãnh đạo đất nước từng bước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đưa con thuyền cách mạng vững bước tiến lên. Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII mang đến cho đất nước vị thế, uy tín trên trường quốc tế; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, xây dựng được môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện để đất nước phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, xem xét từng khía cạnh cụ thể trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết với quyết tâm chính trị cao hơn, biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, những vấn đề được Đảng ta xác định trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII thực sự vẫn là những điều nhức nhối mà mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải trăn trở, suy nghĩ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, tiêu cực; phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng.

Theo đó, việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặt ra yêu cầu là mỗi cán bộ, đảng viên cần có nhận thức hết sức đúng đắn, thấy rõ được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong hoạt động thực tiễn. Tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải là điều gì quá cao xa, không phải là việc riêng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; càng không phải là việc riêng của các cấp ủy đảng, của bí thư cấp ủy, mà phải xác định đó là việc thường ngày gắn với hoạt động thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên trong từng nhiệm vụ và công việc cụ thể. Đó là sự nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao; đó là thường xuyên nỗ lực học tập nâng cao trình độ, năng lực của bản thân; đó còn là thể hiện lối sống giản dị, khiêm nhường, thương yêu giúp đỡ đồng chí, đồng đội; đó là kiên quyết đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, bè phái, địa phương chủ nghĩa, lợi ích nhóm, những hành vi đi ngược lại giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân dân, những hành vi vi phạm quy định của cơ quan, đơn vị, vi phạm pháp luật nhà nước...

Xin được nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt" để thấy rõ hơn vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu đối với từng cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới đặt ra yêu cầu rất cao, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà trên hết, trước hết là sự phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Để thực hiện thắng lợi quan điểm đó, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng là vừa phải nắm vững chủ trương của Đảng, vừa phải thể hiện quyết tâm cao, ra sức nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chỉ khi và khi nào, từng cán bộ, đảng viên của Đảng hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình thì khi đó những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra mới đi vào cuộc sống, mới đem lại giá trị thiết thực.

Điều này, không phải là lý luận, mà đó chính là chân lý thực tiễn.

LÊ LONG KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/nghi-quyet-va-cuoc-song/xay-dung-dang-nhiem-vu-then-chot-654485