Xây dựng đề án phát triển vận tải đường thủy trên địa bàn Hải Dương

Đề án nhằm hoàn thiện hệ thống luồng đường thủy, phát triển hệ thống cảng, cụm cảng đường thủy kết nối với giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Đoàn công tác của Bộ GTVT khảo sát tuyến đường thủy quốc gia sông Kinh Thầy qua địa bàn tỉnh Hải Dương - Ảnh tư liệu

Ngày 21/2, Sở GTVT Hải Dương cho biết, sắp tới công tác tổ chức quản lý giao thông đường thủy tại địa phương có một số thay đổi như chuyển đầu mối quản lý hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên đường thủy từ Phòng Tham mưu của Sở sang Ban Quản lý Bảo trì công trình giao thông; hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện công tác thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến thủy nội địa, bến khách ngang sông theo phân cấp tại Nghị định số 06/2024 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa.

Đáng chú ý, nhằm nâng cao năng lực và thúc đẩy phát triển vận tải thủy trên địa bàn, Sở GTVT Hải Dương đã chủ động xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn thiện để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt Đề án nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Đề án bám sát quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa quốc gia thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng phê duyệt). Nội dung chính của đề án nhằm giải quyết các bất cập kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, từng bước nâng cao tĩnh không các cầu; khơi thông nạo vét luồng; xây dựng các cụm cảng, cụm bến, các tuyến kết nối cảng, bến với đường bộ, đường sắt hiện trạng và quy hoạch để phát triển vận tải thủy. Từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đường thủy hiện đại, đồng bộ, an toàn, có chất lượng dịch vụ vận tải cao, tăng thị phần vận chuyển hàng hóa góp phần quan trọng vào giảm chi phí logistics, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Được biết, Hải Dương hiện có 20 tuyến đường thủy, với tổng chiều dài hơn 418 km, trong đó gồm 14 tuyến quốc gia (dài 296,5 km; sông Thái Bình, Văn Úc, Gùa, Mía, Thương, Luộc, Kinh Thầy, Kinh Môn, Mạo Khê, Lai Vu, Phi Liệt, Sông Hàn, Cầu Xe và Lạch Tray) và 6 tuyến địa phương (dài 122 km; các sông: Sặt, Cửu Yên, Đình Đào, Tứ Kỳ, Cầu Xe và Ghẽ).

Đáng lưu ý, lợi thế của hệ thống đường thủy trên địa bàn Hải Dương là có 2 tuyến hành lang đường thủy quốc gia chạy qua: Tuyến số 1 (Quảng Ninh – Hải Phòng - Việt Trì) và Tuyến số 2 (Quảng Ninh – Hải Phòng - Ninh Bình). Trong Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương cũng chú trọng tập trung đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường thủy theo các hành lang này.

Về cảng, bến, trên địa bàn tỉnh hiện có 49 cảng thủy và 403 bến thủy nội địa đang hoạt động; với khoảng 2.000 phương tiện thủy, trong đó nhiều phương tiện thủy mang cấp sông pha biển.

Theo định hướng quy hoạch, Hải Dương sẽ phát triển 30 cảng thủy thuộc cụm cảng sông Kinh Thầy - Kinh Môn - sông Hàn; 4 cảng thuộc cụm cảng sông Thái Bình; cảng Ninh Giang thuộc cụm cảng sông Luộc. Địa phương sẽ nâng cấp, cải tạo và đưa vào quản lý 17 cảng thủy nội địa hiện có vào hệ thống các đường thủy nội địa quốc gia; phát triển 12 cảng thủy nội địa mới trên các tuyến sông quốc gia...

Huy Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/xay-dung-de-an-phat-trien-van-tai-duong-thuy-tren-dia-ban-hai-duong-183240221142826062.htm