Xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội Thẩm phán Việt Nam

Sáng 6/5, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền đã chủ trì buổi họp về việc xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội Thẩm phán Việt Nam. Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC là đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng đề cương Đề án này.

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chánh án TANDTC về việc nghiên cứu, thành lập Hiệp hội Thẩm phán, đơn vị này đã chuẩn bị kế hoạch xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội Thẩm phán Việt Nam. Việc thành lập Hiệp hội Thẩm phán Việt Nam phải căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, trong đó có Nghị định 45/2010/NĐ-CP về tổ chức hoạt động và quản lý hội. Tuy nhiên, hiện nay các luật, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH chưa có quy định cụ thể về vấn đề này…

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về việc thành lập hoạt động của Hiệp hội Thẩm phán cho thấy, tại Hoa Kỳ, Hiệp hội Thẩm phán Hoa Kỳ là tổ chức nghề nghiệp, hoạt động phi lợi nhuận và dành riêng cho các mục đích giáo dục và từ thiện. Tại Đức, Hiệp hội Thẩm phán là hiệp hội nghề nghiệp lớn nhất của các Thẩm phán và công tố viên, được chia thành 16 hiệp hội bang, 5 hiệp hội chuyên môn tại Tòa án liên bang và 4 hiệp hội chuyên môn của các Tòa án khác. Ngoài ra, một số nước khác cũng có Hiệp hội Thẩm phán.

 Trưởng ban soạn thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền (phải) cùng Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào tại buổi họp

Trưởng ban soạn thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền (phải) cùng Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào tại buổi họp

Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC xin ý kiến bước đầu về việc lập kế hoạch xây dựng đề án này. Lộ trình thực hiện là: Giai đoạn 2019 đến 2020 nghiên cứu xây dựng Đề án. Giai đoạn 2020 đến 2025 triển khai thực hiện đề án; phân công nhiệm vụ phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc xây dựng đề án.

Góp ý về việc xây dựng kế hoạch, Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào nhận định, đây là một ý tưởng hay mang tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả thì cần phải xác định mục đích của việc thành lập hiệp hội là gì và đem lại lợi ích gì cho Thẩm phán, cho xã hội. Vì Thẩm phán hiện là công chức của cơ quan Nhà nước, dưới sự quản lý của Chánh án, vậy thành lập hiệp hội có phù hợp hay không, cần được làm rõ.

Thẩm phán TANDTC Lê Văn Minh cũng nhận định, thành lập Hiệp hội cũng sẽ mang đến những lợi ích nhất định, như giáo dục tư tưởng đạo đức cho Thẩm phán; Góp ý xây dựng chính sách cho Thẩm phán hay hoạt động xét xử, là diễn đàn pháp luật những vấn đề pháp lý phát sinh, đáp ứng nhu cầu xã hội. Để thực hiện Đề án thành lập hiệp hội này cần có những hội thảo, hay cuộc họp với các bộ, ban ngành, chuyên gia đóng góp ý kiến. Trên cơ sở đó mới đi vào chi tiết cụ thể xây dựng Đề án.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền đề nghị Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC xây dựng kế hoạch cụ thể về việc xây dựng Đề án. Trong đó, nội dung kế hoạch cần chú ý các công việc triển khai, tổ chức thực hiện, nhiệm vụ của từng đơn vị phối hợp, thời hạn thực hiện...Sau khi có kế hoạch triển khai thực hiện, sản phẩm cuối cùng là Đề án trình Ban cán sự và xin ý kiến của Ban chỉ đạo CCTP Trung ương, từ đó mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền cũng đề nghị, trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC tổng hợp lại và hoàn thiện dự thảo Kế hoạch trình lãnh đạo TANDTC xem xét. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu cơ sở pháp lý về hiệp hội, để trên cơ sở đó thành lập Hiệp hội Thẩm phán của Việt Nam. Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế của TANDTC nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới; khảo sát các ý kiến của Thẩm phán để xây dựng Đề án. Đồng thời, làm rõ sự cần thiết thành lập Hiệp hội Thẩm phán Việt Nam, thực trạng hoạt động, nhu cầu của Thẩm phán…trong đó tập trung vào các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Đề án đề ra.

M.Thoa

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/xay-dung-de-an-thanh-lap-hiep-hoi-tham-phan-viet-nam-297638.html