Xây dựng đô thị trung tâm Tây Nguyên: Chặng đường thách thức

Trải qua chặng đường 10 năm thực hiện kết luận 60 Bộ Chính trị, xây dựng và phát triển để trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột hôm nay đã và đang đổi thay từng ngày.

Chặng đường 10 năm

Thành phố Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk, sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 60-KL/TW, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã có bước phát triển khá, cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm tăng bình quân hằng năm 13,98%; công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ vẫn giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế và chuyển dịch theo hướng tiến bộ; thu nhập bình quân đầu người đã có gia tăng đáng kể.

Công tác quy hoạch đô thị, quản lý đô thị, đất đai được tăng cường, từng bước khắc phục các tồn tại. Các công trình, dự án trọng điểm được triển khai đầu tư; hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư tương đối đồng bộ, bước đầu thể hiện được vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Các lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, thực hiện tốt các chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định.

Đầu năm 2010, Buôn Ma Thuột được công nhận là thành phố loại I trực thuộc tỉnh. Với định hướng xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27/11/2010 của Bộ Chính trị, Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Buôn Mê Thuột đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ

Buôn Mê Thuột đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ

Trong đó, nhiều công trình trọng điểm trên các lĩnh vực đang được xây dựng, hứa hẹn diện mạo mới như các dự án: đường Đông -Tây; nâng cấp đường từ Quốc lộ 14 vào hồ du lịch sinh thái Ea Kao; hồ thủy lợi Ea Tam; Nhà điều hành trung tâm Trường Đại học Tây Nguyên, Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên; mở rộng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và đấu nối với hộ gia đình khu vực nội thành…

Theo số liệu thống kê của UBND thành phố Buôn Ma Thuột, cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm bình quân hàng năm giai đoạn 2010- 2018 của thành phố Buôn Ma Thuột đạt 9,38%. Quy mô nền kinh tế: năm 2018 của thành phố đạt 18,016 tỷ đồng gấp 2,15 lần so năm 2010.

Giá trị sản xuất năm 2018 đạt 9.109 tỷ đồng, giai đoạn 2010-2018 đạt mức tăng trưởng bình quân 11,08%/năm; một số sản phẩm công nghiệp chế biến phát triển nhanh qua các năm như: cà phê bột, sản phẩm bia, máy bơm ly tâm điện… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2018 đạt 37.191 tỷ đồng.

Thành phố tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hóa. Giá trị sản xuất năm 2018 (giá so sánh 2010) đạt 2.550 tỷ đồng, giai đoạn 2010-2018, đạt mức tăng trưởng bình quân 2,71%/ năm.

Đầu năm 2019, toàn Tỉnh có 8.264 doanh nghiệp, trong đó: thành phố Buôn Ma Thuột có 3.888 doanh nghiệp, chiếm 47%. Phát triển doanh nghiệp đã thu hút một lượng vốn đáng kể trong dân cư vào sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần thúc dẩy phát triển kinh tế của Tỉnh và Thành phố. Thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2018 đạt 78 triệu dồng, tăng 3,17 lần so với năm 2009.

Từ năm 2010 đến nay, diện tích khu vực nội thành được phủ quy hoạch phân khu đô thị 9.322 ha, chiến 91,82%, diện tích lập quy hoạch phân khu tăng gấp 2,74 lần so với giai doạn trước năm 2010.

Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kết nối vùng Tây Nguyên, dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành à vận hành từ năm 2015, tạo thông thương thuận lợi, kết nối Buôn Ma Thuột với các đô thị vùng Tây Nguyên (Pleiku; Kon Tum; Gia Nghĩa…).

Đồng thời, đã nâng cấp đoạn qua đô thị (dài 23,6km). Quốc lộ 26, (dài 151km đi Nha Trang ); Quốc lộ 27 (dài 212km, đi Đà Lạt) hiện cấp III, IV miền núi, hoạt động đảm bảo giao thông kết nối vùng. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột được đầu tư nâng cấp, kết nối với các tỉnh, thành phố lớn trong nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh.

Trong 10 năm qua, đã tập trung quan tâm tạo điều kiện và xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên có tác động phát triển lan tỏa của toàn vùng, đã tham gia Chương trình hợp tác với 5 tỉnh (Lâm Đồng - Khánh Hòa - Bình Thuận - Ninh Thuận - Phú Yên); thiết bị quan hệ hợp tác giữa các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên. Kon Tum, Gia lai, Lâm Đồng, Đắk Nông và hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Đắk Lắk,…

Vượt qua những khó khăn

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số định hướng phát triển Thành phố chưa được triển khai thực hiện theo Kết luận 60-KL/TW và các quy hoạch đã được phê duyệt do thiếu nguồn lực kinh phí và công tác thu hút đầu tư phát triển còn hạn chế.

Khai thác phát huy lợi thế, tiềm năng là trung tâm vùng Tây Nguyên còn chậm, một số lĩnh vực văn hóa, khoa học – công nghệ, giao thông… chưa thể hiện rõ nét, đi đầu so với các Thành phố trong vùng Tây Nguyên. Hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố thường xuyên, nhưng có mặt còn chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao; cải cách hành chính còn chưa mạnh mẽ, chưa tạo đột phá lớn.

Hạ tầng giao thông hoàn thiện

Nguyên nhân do kinh tế, chính trị trên thế giới có nhiều biến động, tác động đến tình hình chung của đất nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng. Tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường. Nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một số định hướng lớn theo Kết luận 60-KL/TW chưa được thực hiện; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố, để tạo sự bứt phá trong thực hiện trở thành đô thị trung tâm Vùng. Một số chủ trương của Đảng và chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước còn bất cập, chưa đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Tỉnh và Thành phố còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng phần nào đến công tác kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển Thành phố.

Bên cạch đó, tác động của biến đổi khí hậu, cường độ mưa tăng cao; suy giảm mực nước ngầm ảnh hưởng hạ tầng đô thị như sạt lở, úng ngập khu vực ven suối, vùng trũng; thiếu nước sinh hoạt, chưa có biện pháp ứng phó kịp thời. Quỹ đất sạch cho đầu tư và phát triển đô thị ngày càng hạn chế; Chi phí cho đền bù , giải phóng mặt bằng phục vụ cho các dự án phát triển đô thị trọng điểm tăng cao, ảnh hưởng suất đầu tư, khó khăn khi thực hiện dự án.

Vượt qua những khó khăn, thách thức, thành phố Buôn Mê Thuột đang xây dựng mục tiêu trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên và tầm nhìn phấn đấu xây dựng thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2030 trên 13,5%. Cơ cấu kinh tế: ngành dịch vụ 66,62%, công nghiệp và xây dựng 30,38%, nông nghiệp 2,01% và tỷ trọng thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm đạt dưới 0,99%. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hàng năm trên 12%. Tầm nhìn đến 2045 xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trực thuộc Trung ương.

Thành phố Buôn Ma Thuột được xem như là một Việt Nam thu nhỏ với đa dạng tộc người, trên địa bàn thành phố có 40 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc anh em trên toàn quốc, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 85% và 15% còn lại là người dân tộc khác. Trong nhóm dân tộc thiểu số, người Ê Đê chiếm số lượng lớn nhất, sau tới dân tộc Tày, Thái, Hoa, Gia Rai. (Theo Cổng thông tin điện tử Thành phố Buôn Ma Thuột)

D.Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/buon-ma-thuot-mot-thap-ky-vuon-len-toa-sang-516260.html