Xây dựng đội ngũ cán bộ BĐBP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Cán bộ là cái gốc của mọi công việc'; 'Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong', thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về 'Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước', Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP luôn chú trọng đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào.

Bài 1: Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ trong BĐBP

Sinh thời, khi đề cập đến công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 3 tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ, đó là: Trung thành với cách mạng; liên hệ mật thiết với quần chúng, vì lợi ích của quần chúng; cán bộ phải là người dám làm, dám chịu trách nhiệm, không sợ khó khăn, gian khổ.

Thấm nhuần quan điểm ấy của Người, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 của Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ đến năm 2020”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung chăm lo công tác cán bộ và đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ BĐBP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ngay khi có nghị quyết, kết luận của Trung ương, Đảng ủy BĐBP đã xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt, học tập trong các tổ chức Đảng BĐBP, cụ thể hóa thành các chỉ thị, nghị quyết, quy chế, kế hoạch, hướng dẫn về xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa để chỉ đạo thống nhất trong toàn lực lượng.

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP làm việc với Đảng ủy BĐBP Quảng Bình về công tác cán bộ. Ảnh: Hoa Hạ

Nổi bật như: Nghị quyết số 21/NQ-ĐU ngày 9-7-1998 về xây dựng đội ngũ cán bộ trong BĐBP thời kỳ mới; Chỉ thị số 79/CT-BTL ngày 20-7-1998 về việc thực hiện nghị quyết của Đảng ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ BĐBP trong thời kỳ mới; Chỉ thị số 14-CT/ĐUBP ngày 28-10-2008 về việc điều động luân chuyển sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong BĐBP; Nghị quyết số 21-NQ/ĐU ngày 26-12-2008 về việc điều chỉnh, sắp xếp kiện toàn cán bộ chủ trì các cấp chuẩn bị cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015-2020; Quy chế số 224-QC/ĐU ngày 10-5-2016 về quy chế lãnh đạo công tác cán bộ trong BĐBP; Kế hoạch số 410-KH/ĐU ngày 9-5-2013 về việc thực hiện Nghị quyết 769 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo. Tiến hành tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa IX) về quy hoạch đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và công tác luân chuyển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Trên cơ sở đó, Đảng ủy BĐBP đã xây dựng quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ BĐBP và quy hoạch đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong BĐBP giai đoạn 2013-2020; Chỉ thị số 614-CT/ĐU ngày 27-11-2014 về triển khai thực hiện Chỉ thị 697-CT/QUTW ngày 13-10-2014 của Quân ủy Trung ương về giải quyết số lượng cán bộ. Đặc biệt, đã ban hành Kết luận số 453-KL/ĐU ngày 28-6-2017 về tiêu chí, tiêu chuẩn giới thiệu bổ nhiệm cán bộ cấp Bộ Tư lệnh và bổ nhiệm cấp Cục trong BĐBP.

Với một hệ thống, nghị quyết, chỉ thị, quy định, kế hoạch, bám sát chỉ đạo của trên và thực tế của đơn vị, Đảng ủy BĐBP đã xác định rõ mục tiêu, chủ trương, giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ của BĐBP phải xuất phát từ đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và chức năng, nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia của BĐBP.

Đặc biệt, với đội ngũ cán bộ BĐBP đông, đa dạng, nhiều ngành nghề, nhiều vùng miền, địa phương, dân tộc, liên quan trực tiếp đến các địa phương, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của BĐBP trong từng giai đoạn, Đảng ủy BĐBP đã ký quy chế phối hợp với các Tỉnh, Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo công tác biên phòng và xây dựng BĐBP; Ủy ban kiểm tra Đảng ủy BĐBP đã ký quy chế phối hợp với Ủy ban kiểm tra các tỉnh, thành phố có biên giới, bờ biển; trong đó có nội dung phối hợp, hiệp y nhận xét, đánh giá, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chuyển ra, thăng quân hàm, nâng lương, kiểm tra, giám sát đối với các đồng chí cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của BĐBP các tỉnh, thành.

Đảng ủy BĐBP, cấp ủy các cấp trong BĐBP đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, quan điểm của Đảng, các, nghị quyết, chỉ thị, quy chế, hướng dẫn của cấp trên về công tác cán bộ; tổ chức thực hiện nghiêm túc đảm bảo thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó, đã đặc biệt quan tâm tới việc đánh giá, nhận xét đối với cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Đảng ủy BĐBP đã có nhiều chủ trương, biện pháp giải quyết số lượng cán bộ đảm bảo cơ cấu vùng miền, chuyên ngành, từng bước cân đối cả số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ giữa các tuyến, các đơn vị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Công tác cán bộ được thực hiện công khai, minh bạch; có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành ủy trong quản lý, nhận xét, đánh giá điều động, bổ nhiệm và chuyển ra đối với cán bộ, chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố; thống nhất với Tỉnh ủy, Thành ủy về nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố. Định kỳ hàng năm, Đảng ủy BĐBP phối hợp với các Tỉnh, Thành ủy tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về thực hiện quy chế phối hợp, từ đó đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, kịp thời chỉ ra những ưu điểm và tồn tại, hạn chế, uốn nắm những biểu hiện lệch lạc, tư tưởng cục bộ địa phương, khép kín, cá nhân chi phối những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ, đề ra phương hướng, mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ trong từng giai đoạn.

Cấp ủy Đảng các cấp đã thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, cơ quan cán bộ các cấp, các ngành trong BĐBP. Mọi vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ đều được tập thể thường vụ, đảng ủy bàn bạc thảo luận dân chủ, công khai trước khi quyết định.

Chính vì vậy, kể từ khi quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác cán bộ trong BĐBP đã có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, phân rõ trách nhiệm từng cấp; gắn công tác bổ nhiệm cán bộ với kiện toàn cấp ủy. Công tác chính sách cán bộ được quan tâm, nhất là những chính sách phù hợp với tính chất hoạt động của BĐBP; công tác kiểm tra, giám sát và bảo vệ chính trị nội bộ thực hiện chặt chẽ, hiệu quả; kiên quyết xử lý, thậm chí loại ra khỏi tổ chức những cán bộ coi thường kỷ cương, vi phạm kỷ luật, pháp luật.

Do đó, đội ngũ cán bộ BĐBP đã có bước chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, sau đại học, cao đẳng trở lên đạt 98,96% (trong đó, sau đại học là 5,75%), cơ cấu cán bộ từ Quân khu 5 trở vào đạt 82,93%, cán bộ người dân tộc thiểu số đạt 13,13%; đồng thời đã giải quyết cơ bản được tình trạng dư thừa ở phía Bắc và khắc phục được tình trạng thiếu ở phía Nam (Đảng ủy BĐBP đã ban hành Chỉ thị 14-CT/ĐUBP ngày 28-10-2008 về việc điều động luân chuyển sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong BĐBP), thiếu cán bộ cấp đội ở các đồn biên phòng.

Đại đa số cán bộ BĐBP có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, có ý thức trách nhiệm và tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, tham gia phát triển kinh tế, xã hội nơi biên giới, hải đảo, thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ và công tác các bộ hiện nay trong BĐBP vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Tỷ lệ đội ngũ cán bộ thừa, thiếu còn cao, cơ cấu ngành, chuyên ngành còn mất cân đối (nhất là khối các cơ quan, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và các đơn vị phía Nam), nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số còn ít. Ý thức trách nhiệm, năng lực, tác phong công tác của một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy còn hạn chế, không tích cực học tập nâng cao trình độ dẫn đến trình độ chỉ huy, quản lý chưa thực sự ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.

Công tác quy hoạch tổng thể đội ngũ và giải quyết số lượng cán bộ có lúc chưa tích cực, chủ động, dẫn đến mất cân đối về cơ cấu, ngành nghề và chức danh, nguồn cán bộ chủ trì còn mỏng, còn có biểu hiện khép kín, công tác bồi dưỡng cán bộ còn hạn chế... Một số cán bộ, chỉ huy các cấp có lúc, có việc chưa thực sự đề cao trách nhiệm, còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể cấp ủy.

Vì vậy, việc đánh giá toàn diện công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ đã được Đảng ủy BĐBP thẳng thắn chỉ ra tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trong BĐBP tháng 9-2017.

Bài 2: Phát huy dân chủ, nâng cao hiệu quả công tác cán bộ

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xay-dung-doi-ngu-can-bo-bdbp-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-trong-tinh-hinh-moi/