Xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Bài cuối
PHÁ BỎ RÀO CẢN, THÚC ĐẨY CÁN BỘ ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO

BPO - Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất sẽ thay thế hoặc điều chuyển những cán bộ không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm sang công việc khác, thậm chí là kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Vậy nhưng không ít người lo lắng điều này chẳng khác gì “đánh bùn sang ao”, bởi rất có thể sau khi bị điều chuyển hoặc xử lý trách nhiệm, những cán bộ này vẫn ì ạch, làm việc theo kiểu “được chăng hay chớ”.

Để giải quyết tận gốc vấn đề cán bộ không nói, không làm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, điều kiện cần là phải có con người “đổi mới” và điều kiện đủ là phải có cơ chế, chính sách phù hợp.

Nhận diện rào cản

Lực cản đầu tiên mà chúng ta phải đối mặt là những bất cập trong công tác cán bộ. Như Nghị quyết số 26-NQ/TW đánh giá: “Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi”. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải giải quyết tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ và nâng cao năng lực, đạo đức của đội ngũ cán bộ. Nói cách khác, đó là việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, tốt về chất lượng.

Xét về yếu tố số lượng, không khó để nhận ra việc phân bổ biên chế ở nhiều nơi còn bất cập. Ví dụ, tại TP. Hồ Chí Minh, có những thời điểm một biên chế phải phục vụ người dân gấp 3,2 lần so với các tỉnh, thành khác. Lẽ thường tình, khi phải làm việc trong điều kiện áp lực cao, khối lượng lớn, thời gian dài thì rất dễ xảy ra sai sót. Mà để xảy ra sai sót sẽ kéo theo kiểm điểm, kỷ luật. Ai làm trong cơ quan công quyền cũng hiểu rõ, khi bị kiểm điểm, kỷ luật nghĩa là “có vết”, rất khó để có thể được cất nhắc lên các vị trí cao hơn, nhất là ở những vị trí quan trọng. Như vậy, áp lực chồng chất áp lực, làm cho cán bộ chán nản, hụt hẫng. Xét về yếu tố chất lượng, đội ngũ cán bộ ở nước ta đang dần được chuẩn hóa và ngày càng chuyên nghiệp nhưng rõ ràng chất lượng chưa thực sự đồng đều. Và cũng cần nói thêm, có cán bộ tốt đã khó, nhưng để cán bộ phát huy được năng lực, sở trường, dám đổi mới, sáng tạo cũng không hề dễ dàng. Nhiều năm qua, chúng ta thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài. Vậy nhưng một thực tế đáng buồn là tình trạng “chảy máu chất xám” lại đang diễn ra ở không ít cơ quan, đơn vị. Trước đây, mọi người chọn khu vực công vì công việc có tính ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, áp lực công việc lớn khiến họ không còn mặn mà, sẵn sàng “dứt áo ra đi”. Bởi vậy, để “giữ chân” những cán bộ có khả năng làm việc “đúng vai, thuộc bài” đã là một vấn đề nan giải chứ chưa nói đến việc yêu cầu họ phải đổi mới, sáng tạo.

Lực cản tiếp theo ngăn cản cán bộ dám nghĩ, dám làm là hệ thống pháp luật của nước ta nói chung còn chưa thực sự đồng bộ, khả thi; hành lang pháp lý trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nói riêng chưa đầy đủ; cấp ủy, người đứng đầu một số đơn vị thiếu tinh thần đổi mới. Đại hội XIII của Đảng chỉ ra: “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn”, “việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng”. Nhiều trường hợp, cán bộ muốn sáng tạo thì đồng nghĩa với việc phải làm “trái luật”. Trong khi đó, các quy định của pháp luật về bảo vệ cán bộ chậm được ban hành. Điều này rất dễ mang lại rủi ro cho cán bộ. Vậy nên yêu cầu cấp thiết hiện nay đặt ra với các cơ quan xây dựng pháp luật là phải nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để cán bộ có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới yên tâm công tác.

Một lực cản khác khiến cán bộ không mặn mà với việc đổi mới, sáng tạo, dám đột phá là chưa có cơ chế khích lệ tương xứng. Trong không ít báo cáo, chỉ thị, nghị quyết, Đảng đã chỉ ra thực trạng chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, tạo động lực, bảo vệ cán bộ và thu hút, trọng dụng nhân tài. Đặc biệt, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất. Chỉ xét riêng ở khía cạnh thu nhập, việc trả lương công chức, viên chức vẫn theo hệ số, có tính chất “cào bằng”, mặc dù áp lực công việc lớn nhưng mức thu nhập nhận lại không hề cao khiến cho cán bộ thiếu động lực phấn đấu. Ở khía cạnh thăng tiến trong nghề nghiệp, tình trạng bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình” nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn, năng lực vẫn là vấn đề nhức nhối; việc trọng dụng người tài có lúc, có nơi vẫn thiếu sự sòng phẳng, chưa thực sự công bằng. Đó là chưa kể, ở một số cơ quan, đơn vị đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, khi khen thưởng thì nhận thành tích từ trên xuống dưới nhưng khi xử lý sai phạm thì lại “trên nhẹ, dưới nặng”.

Cần cơ chế bảo vệ cán bộ

Điều kiện đầu tiên để thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm là chính các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là những người đứng đầu cần thực sự dũng cảm, sẵn sàng đồng hành với cán bộ. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nếu có cán bộ không yên tâm làm việc, ta phải xét rõ cái chỗ lãnh đạo không đúng của ta, để thuyết phục và khuyên gắng người đó”. Đồng thời, tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung cũng yêu cầu đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác và được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm. Như vậy, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu là đặc biệt quan trọng. Nếu cán bộ năng động, sáng tạo nhưng cấp ủy, người đứng đầu vẫn ì ạch thì không thể thực hiện.

Đi liền với đó là việc nâng cao hiệu quả “dùng người”. Bàn về điều kiện để khích lệ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, Bác chỉ ra: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”, “Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”… Chọn được người tài là điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo nhưng biết cách “dùng người” mới là yếu tố then chốt để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm. Bởi vậy, cấp ủy, người đứng đầu các đơn vị và cơ quan, tổ chức các cấp phải thực sự tinh tường, bố trí cán bộ đúng chuyên môn, sở trường công tác, khéo léo vận dụng nguyên tắc “dụng nhân như dụng mộc”, vì việc mà bố trí người. Đồng thời, công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ cũng cần thực hiện thường xuyên để không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ. Đi liền với đó, chính sách về thu nhập, tiền lương cũng cần có sự thay đổi phù hợp để cán bộ thực sự “sống được”, thậm chí là “sống tốt” từ công việc.

Yếu tố tiếp theo để thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm là sự công minh, công bằng trong khen thưởng, kỷ luật. Như Bác nhắc nhở: “Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa?”…

Đã là đổi mới, sáng tạo thì có thể đúng, có thể sai, có thể mang lại hiệu quả hoặc gặp thất bại. Vấn đề đặt ra là phải có cách đánh giá, nhìn nhận thực sự phù hợp. Với những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo và mang lại hiệu quả, cùng với việc khen thưởng, biểu dương, các cơ quan chức năng cũng nên “có gan cất nhắc cán bộ” một cách tương xứng. Ngược lại, với những trường hợp đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích chung nhưng không thành công, có sai sót thì cũng cần động viên, khích lệ cán bộ một cách phù hợp, tránh tình trạng chỉ chăm chăm kỷ luật cán bộ một cách khô cứng.

Một yếu tố quan trọng khác để cán bộ dám đổi mới, sáng tạo là phải có hành lang pháp ý an toàn để bảo vệ cán bộ. Trong bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị Quốc tế vì hòa bình họp ở Vécxây (Versailles), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra vấn đề: “Bảy xin Hiến pháp ban hành - Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là yêu cầu quan trọng để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực tế, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào điều chỉnh việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Chủ trương, đường lối đã có nhưng việc thể chế hóa thành pháp luật còn chậm. Vừa qua, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo lần 3 Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và đưa ra 8 trường hợp miễn xử lý trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước. Việc thông qua nghị định sẽ là điều kiện cần thiết để bảo vệ cán bộ và cũng là một bước để đưa nghị quyết của Đảng thật sự thấm sâu vào cuộc sống.

Mỗi người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hy sinh vì lợi ích chung, hợp lại trong một tập thể thống nhất chắc chắn sẽ biến thách thức thành cơ hội để đạt tới những mục tiêu tốt đẹp. Đó còn là bản chất và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trần Tú - Hoàng Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/144422/xay-dung-doi-ngu-can-bo-dam-nghi-dam-lam