Xây dựng đội ngũ 'nhà giáo 4.0'

Trước yêu cầu mới về chất lượng giáo dục-đào tạo, thời gian qua, Trường Sĩ quan Chính trị (SQCT) chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên 'vững về chính trị, sáng về đạo đức, giỏi về chuyên môn', tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.

Nhà trường chỉ đạo các khoa xây dựng đề án phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; tăng cường công tác xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy kết hợp quản lý chặt chẽ đội ngũ giảng viên. Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường SQCT, cho biết: "Tính đến tháng 8-2018, tổng số giảng viên của nhà trường là hơn 300 đồng chí, trong đó 1,2% là phó giáo sư, tiến sĩ là 12,8%, thạc sĩ là 62,2%. Nhìn chung, đội ngũ giảng viên có năng lực, kinh nghiệm trong giảng dạy, quản lý giáo dục và nghiên cứu khoa học, trách nhiệm, tâm huyết với công việc. Nhiều giảng viên thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống, trí tuệ và tài năng để các thế hệ học viên noi theo".

Cán bộ, giảng viên và học viên Trường Sĩ quan Chính trị. Ảnh: HẢI HÒA

Quán triệt quan điểm, tư tưởng giáo dục của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của các cấp về giáo dục-đào tạo, việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo được Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường SQCT thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Nhà trường đã làm tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ giảng viên, nhất là chuyên môn nghiệp vụ sư phạm; tiến hành bồi dưỡng giảng viên theo từng năm, xác định rõ chỉ tiêu, đối tượng cho từng khoa, cơ quan, đơn vị; gắn xây dựng, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ. Bên cạnh đó, gắn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn với phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kiến thức toàn diện; chú trọng xây dựng, bồi dưỡng theo từng lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực đầu ngành, bảo đảm cho giảng viên có trình độ chuyên sâu, kỹ năng sư phạm tốt, tư duy khoa học, sáng tạo, biết vận dụng linh hoạt lý luận vào thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, các cấp đặc biệt coi trọng đánh giá đúng chất lượng cán bộ, giảng viên để có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin theo yêu cầu chuẩn hóa từng chức danh phù hợp với mô hình “Nhà trường thông minh”.

Thiếu tá Bùi Hải Ninh (Khoa CTĐ, CTCT) tâm đắc: "Bên cạnh việc tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tổ chức tập huấn, thi giảng viên giỏi, nhà trường còn chú trọng cập nhật kiến thức mới, trọng tâm là những môn học, ngành học có sự phát triển nhanh về lý luận và thực tiễn để giảng viên không bị lạc hậu về kiến thức".

Với cách làm sáng tạo, hiệu quả và quyết liệt, việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo ở Trường SQCT thời gian qua không chỉ đáp ứng nhu cầu kế thừa, phát triển đội ngũ, hiện đại hóa chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, mà còn hướng đến xây dựng, hoàn thiện phẩm chất người cán bộ chính trị trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường. Đến nay, đội ngũ nhà giáo của nhà trường bảo đảm đủ quân số theo biên chế; số lượng nhà giáo có học hàm, học vị, được nhận các danh hiệu cao quý ngày càng nhiều và trẻ hóa. Nhà trường phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 100% giảng viên có trình độ sau đại học.

KHÁNH MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dung-doi-ngu-nha-giao-4-0-554398