Xây dựng đội ngũ nhà giáo vừa 'hồng' vừa 'chuyên'

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người từng nói: 'Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh và nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang'. Thực hiện lời dạy của Bác, đội ngũ nhà giáo của Quảng Ninh luôn dày công vun đắp, truyền đạt kiến thức cho lớp lớp học sinh thân yêu, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long) luôn được học sinh yêu mến, kính trọng.

Tấm gương sáng để học trò noi theo

Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo" do Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam phát động từ năm học 2007-2008 đã được ngành giáo dục Quảng Ninh triển khai thực hiện có hiệu quả. Cuộc vận động đã thực sự góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm, thiếu gương mẫu trong đạo đức nghề nghiệp.

Từ đây, đã có nhiều thầy giáo, cô giáo tận tụy, gắn bó, thương yêu học sinh, nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành giáo viên dạy giỏi các cấp, nghiên cứu tự làm đồ dùng dạy học mới, hoặc cải tiến đồ dùng dạy học, tích cực học tập để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận, chính trị đạt chuẩn, trên chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, đáp ứng yêu cầu công tác và hoạt động giáo dục, là gương sáng cho học sinh noi theo.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long) là một trong những tấm gương sáng như vậy. Trên cương vị là hiệu trưởng nhà trường, hơn 6 năm qua cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy luôn phát huy tốt vai trò nêu gương của người đứng đầu, có trách nhiệm cao, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Trường Tiểu học Hạ Long đón nhận cờ "Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm học 2020-2021" của Chính phủ.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ: Bản thân tôi cùng với tập thể Ban Giám hiệu luôn cố gắng làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyên môn và các hoạt động, phong trào thi đua của nhà trường. Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp quản lý và dạy học, khai thác có hiệu quả hệ thống phòng học thông minh cũng như các trang thiết bị dạy học hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Không chỉ tập trung cho công tác giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy còn chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, học sinh giỏi. Bởi vậy, trong trường quan hệ giữa thầy với trò, giữa trò với trò là bầu không khí chan hòa, gắn bó, cởi mở, chân thành. Từ bầu không khí thân thiện ấy, học sinh yêu quý trường lớp, thầy cô, bè bạn, chăm ngoan, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng học tập, nhất là chất lượng học sinh giỏi các cấp.

Với sự dẫn dắt tận tụy của cô Thủy, nhiều năm liền Trường Tiểu học Hạ Long đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Chất lượng giáo dục mũi nhọn ở các môn văn hóa và các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ, các hoạt động đội luôn dẫn đầu cấp tiểu học trong tỉnh. Tập thể nhà trường vinh dự được nhận Huân chương Lao Động hạng Nhì của Chủ tịch nước vào năm học 2019-2020 và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm học 2020-2021. Bản thân cô Thủy cũng nhận được Huân chương Lao Động hạng Ba của Chủ tịch nước vào năm học 2020-2021.

Giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (TP Hạ Long) luôn nỗ lực để mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui.

Nghề giáo vinh quang và trách nhiệm

Với ý nghĩa cao quý bắt nguồn từ truyền thống tôn sư trọng đạo và những giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc ta, ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước.

Từ đó đến nay, ngày 20/11 trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục, ngày toàn xã hội tôn vinh, dành cho các thầy giáo, cô giáo những tình cảm trân trọng, quý mến và biết ơn.

Đến nay, toàn tỉnh đã có một lực lượng đông đảo đội ngũ các nhà giáo với 21.210 người. Dù ở những vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, ở đâu có dân là ở đó có thầy, cô giáo. Đại bộ phận giáo viên của tỉnh đã được đào tạo chuẩn hóa, có lương tâm nghề nghiệp, yêu thương học sinh, giữ vững phẩm chất đạo đức, tận tụy hoàn thành trách nhiệm.

Tính đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 84,2% giáo viên ở các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn. Quảng Ninh cũng đã có nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý được phong tặng các danh hiệu cao quý, gồm: 2 Nhà giáo Nhân dân, 111 Nhà giáo Ưu tú, hơn 3.000 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trên 12.000 giáo viên giỏi cấp cơ sở.

Đặc biệt, 10 năm qua, Quảng Ninh có trên 40.000 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm của các nhà giáo trong tỉnh được hội đồng khoa học từ cấp cơ sở đến cấp ngành đánh giá, xếp loại và phổ biến, ứng dụng rộng rãi vào giáo dục, đào tạo. Tiêu biểu là cô giáo Bùi Thị Hải Yến (Hiệu trưởng Trường THPT Vũ Văn Hiếu); thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải, thầy giáo Nguyễn Hồng Thái (Trường THPT Chuyên Hạ Long); cô giáo Phạm Minh Nguyệt (Trung tâm HN&GDTX tỉnh); cô giáo Nguyễn Thị Hương Lan (Trường THPT Uông Bí)...

Kế thừa những truyền thống cao quý, đội ngũ cán bộ, giáo viên của toàn ngành sẽ tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với các cuộc vận động của ngành phát động, cùng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, qua đó đóng góp trí tuệ và công sức cho sự nghiệp "trồng người" cao quý.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dành nhiều nguồn lực, quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Riêng chi cho lĩnh vực này hằng năm chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh theo hướng mở rộng các chính sách của trung ương đã được tỉnh ban hành, chủ yếu mở rộng đối tượng được thụ hưởng và mức hỗ trợ được vận dụng bằng với mức quy định của trung ương. Tính từ năm 2014 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 14 nghị quyết về các chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng là giảng viên, giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Anh Bùi Quang Hữu (Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội):

Thầy cô chẳng quản ngại công sức, dành hết tâm huyết và đam mê giảng dạy

Trở về mái trường thân yêu trong dịp 60 năm thành lập Trường THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên), tôi thật xúc động khi được gặp lại các thầy cô đã cả đời gắn bó với ngôi trường này; càng xúc động hơn khi được gặp lại bạn cũ, cùng các thầy cô ôn lại những kỷ niệm yêu dấu của tuổi học trò. Tôi là học sinh khóa 1986-1989. Mặc dù thời điểm đó nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng các thầy cô chẳng quản ngại công sức, dành hết tâm huyết và đam mê giảng dạy. Đó là điều mà tôi mãi không bao giờ quên và luôn lấy đó làm tự hào, làm động lực đi lên trong cuộc sống…

Đến nay, Trường THPT Bạch Đằng đã là ngôi trường khang trang, được trang bị những thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho việc giảng dạy của thầy và trò. Đặc biệt, trường còn được đánh giá là ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt của tỉnh, được sự tín nhiệm và tin tưởng của nhân dân về chất lượng đào tạo.

Anh Hoàng Thái Đông (phường Yên Giang, TX Quảng Yên):

Tiếp tục quan tâm giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh

Thời gian qua, tôi rất vui và hoan nghênh trước những sự đổi mới của ngành GD&ĐT, đã giúp học sinh có thể học tập tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành GD&ĐT cũng cần quan tâm chăm lo cơ sở vật chất ở các trường vùng sâu, vùng xa, khó khăn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn thầy cô thường xuyên cập nhật kiến thức. Không chỉ cần trình độ chuyên môn, mà giáo viên cũng cần có những kỹ năng phù hợp, đáp ứng công việc giúp đỡ học sinh học về những kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động vui chơi, dã ngoại... Đồng thời, giáo viên cũng nên dành thời gian quan tâm trạng thái tâm sinh lý của học sinh, những cử chỉ, thái độ… để kịp thời có những biện pháp điều chỉnh, uốn nắn sao cho phù hợp. Hy vọng sự gần gũi, trò chuyện thân tình của giáo viên có thể giúp học trò tự tin, mạnh dạn chia sẻ những khó khăn trong học tập và cuộc sống.

Hoàng Hà Linh, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Bãi Cháy (TP Hạ Long):

Các thầy, cô là “người lái đò” đưa chúng em đến bờ tương lai

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày để học sinh chúng em bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến người đã có công dạy dỗ mình trong những năm qua. Thầy, cô vừa là những người bạn lớn tuổi, vừa là những người cha, người mẹ thứ hai luôn hướng chúng em tiến lên phía trước bằng tri thức để ngày mai lập nghiệp.

Chúng em xin hứa vâng lời thầy cô, cố gắng học tập thật tốt, phấn đấu đạt nhiều điểm cao, làm nhiều điều hay, việc tốt để dâng tặng thầy, cô. Đây cũng là sự tri ân đến công lao dạy dỗ của các thầy, các cô đối với chúng em. Nhân ngày 20/11, em xin kính chúc các thầy, cô giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công trong công việc và luôn là “người lái đò” đưa chúng em đến bến bờ tương lai.

Ông Triệu Quý Hiện, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Cầu, xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ):

Quan tâm, chăm lo cho đội ngũ thầy, cô giáo công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa

Tôi luôn trân trọng các thầy, cô giáo công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhất là thầy cô ở tỉnh ngoài tình nguyện cắm bản "gieo con chữ" cho học sinh để chăm lo cho sự nghiệp "trồng người". Đến nay đã có biết bao thế hệ học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được các thầy, cô giáo dìu dắt, trong đó nhiều người đã thành công trong công việc và sự nghiệp.

Thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, nhưng đời sống của các thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn; cuộc sống xa gia đình, mọi chi phí sinh hoạt đều từ đồng lương giảng dạy vẫn chưa đảm bảo. Tôi mong muốn rằng Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ thầy giáo, cô giáo, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Lan Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xay-dung-doi-ngu-nha-giao-vua-hong-vua-chuyen-3213598.html