Xây dựng đội ngũ trí thức trong các trường đại học hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đội ngũ trí thức. Người có nhiều bài nói, bài viết về trí thức. Đến nay, những tư tưởng của Người vẫn soi sáng cho Đảng, Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ trí thức. Việc giáo dục và đào tạo đội ngũ trí thức phải xác định vừa giáo dục nghề nghiệp, tài năng, vừa giáo dục phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng, trí thức phải đem tri thức phục vụ cho Nhân dân và đất nước.

Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, trong Sách lược vắn tắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến đội ngũ trí thức. Người chỉ ra rằng Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”. Trong Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam ngày 5/3/1930, Người đã thấu hiểu cảnh sống mất tự do của những người trí thức dưới thân phận người dân mất nước. Trong khí thế toàn dân sôi sục đánh Pháp, trong Kính cáo đồng bào, các hiền nhân, chí sĩ là một trong những lực lượng kêu gọi đứng lên giải phóng dân tộc chứ không làm vong quốc nô lệ. Trong Chương trình Việt Minh, ở 4 nội dung về văn hóa giáo dục, có 2 nội dung nói về trí thức “ 2. Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị , quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài. 3. Khuyến khích và giúp đỡ các hạng trí thức được phát triển tài năng của họ”1.

Ngay sau khi nước Việt Nam mới được thành lập, Người đã có kế hoạch gửi thanh niên Việt Nam ưu tú ra nước ngoài học để mang tri thức khoa học kỹ thuật về kiến thiết đất nước. Vì vậy, trong Thư gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ ngày 1/11/1945, Người đã viết: “Nhân danh hội văn hóa Việt Nam, tôi xin bày tỏ nguyện vọng của hội, được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”2. Điều này cho thấy người đã có chiến lược xây dựng đội ngũ trí thức của đất nước ngay từ khi nước nhà mới được thành lập còn chồng chất muôn vàn khó khăn.

Ảnh Tư liệu (Nguồn Tạp chí Cộng sản)

Ảnh Tư liệu (Nguồn Tạp chí Cộng sản)

Coi trọng đội ngũ trí thức chính là coi trọng nhân tài của đất nước. Có nhân tài mới có thể đẩy nhanh kiến thiết đất nước. Trong bài Nhân tài và kiến quốc, Người đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”3. Lời nói của Người đã gợi ra một điều quan trọng mãi mãi có giá trị là phải biết lựa chọn, bố trí và sử dụng nhân tài. Theo Người, dù bất cứ hoàn cảnh nào, trí thức cũng phải phát huy được vai trò của mình. Trong Thư gửi đồng bào tản cư ngày 17/2/1947, Người viết “mỗi người phải làm một việc, không nên một ai ăn rỗi ngồi không. Các anh em trí thức thì đưa học vấn của mình giúp vào việc văn hóa ở thôn quê, hoặc ra sức tuyên truyền việc kháng chiến. Hoặc giúp sức vào bình dân học vụ. Chớ bỏ tài học của mình”4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của trí thức. Họ là những người tham gia chống giặc theo cách của mình như những chiến sỹ trên chiến trường. Trong thư Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ ngày 25/6/1947, Người viết: “Ngòi bút của các bạn là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sỹ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”5. Người còn khích lệ tinh thần của trí thức - những người “tiên tri tiên giác” càng phải quyết tâm không chịu làm nô lệ. Người chỉ cho trí thức thấy âm mưu thâm độc của thực dân đối với tầng lớp này. Chúng đã làm cho trí thức xa rời thực tế, xa rời nhân dân… quên nước mình là nô lệ, quên tự mình là nô lệ, không phân biệt ai là bạn, ai là thù, không phân biệt được thế nào là sai, thế nào là đúng. Người chỉ ra rằng dưới chế độ cũ, tuy trí thức không bị thực dân, đế quốc bóc lột trực tiếp về vật chất nhưng chúng áp bức, bóc lột trí thức tàn tệ về mặt tinh thần. Người đã thức tỉnh tầng lớp trí thức, hướng họ đi theo con đường cách mạng, đấu tranh cho tự do của dân tộc.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí thức là vốn quý báu của dân tộc. Điều đó không chỉ thể hiện trong lời nói là thực tế cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã minh chứng. Khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Người nói: “Trí thức là nguồn vốn quý báu của dân tộc. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội và nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài”6. Người đã dẫn chứng vụ hơn 700 trí thức và thương gia tư bản Việt Nam ở Sài Gòn - Chợ lớn ký giấy đòi chính phủ Pháp đàm phán với chính phủ Việt Nam, dù biết rằng hành động này sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Trên tinh thần đánh giá cao và coi trọng vai trò của trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức. Khi kẻ thù vu khống rằng những đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin xem khinh trí thức, người đã khẳng định, Đảng rất coi trọng trí thức. Đảng Lao động Việt Nam không chỉ là đảng của giai cấp công nhân, nông dân mà còn là của tầng lớp trí thức. Người viết “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những người công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất”7. Người khẳng định lao động trí óc cần được khuyến khích, giúp đỡ, phát triển tài năng”. Người khẳng định “Chính là những đảng cách mạng lại càng trọng trí thức vì muốn phát triển văn hóa thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải. cần thầy thuốc …”8.

Người còn chỉ rõ lao động trí óc bao gồm thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy... Người chỉ rõ để xây dựng đất nước cần phải có những người có chuyên môn thông thạo về công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, y tế. Muốn vậy, cần đào tạo cán bộ cho các ngành. Do đó, lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng nền dân chủ mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Với lòng mong muốn đội ngũ trí thức ngày càng tiến bộ, người đã chỉ ra những khuyết điểm của đội ngũ trí thức. Khuyết điểm đó là “Cá nhân chủ nghĩa: cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc, cái mình lớn hơn là phải hòa vào với dân tộc”9. Người cho rằng do khuyết điểm đó nên sinh ra nhiều khuyết điểm khác như tính không kiên quyết, thái độ chờ đợi bàng quang, tính bảo thủ, óc làm thuê, địa vị. Do đó, phải cải tạo trí thức cũ, xây dựng đội ngũ trí thức mới để “làm gương cho dân trong mọi việc”.

Trí thức có nhiều bộ phận khác nhau. Mỗi bộ phận, tùy theo tính chất đặc thù của nghề nghiệp, Người đã có những lời chỉ bảo riêng. Với thầy cô giáo, Người nói: “Phải luôn luôn đặt câu hỏi: dạy ai? Nói chung là học trò. Dạy để làm gì? Dạy cho nó yêu nước, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu chủ nghĩa xã hội… Lúc đó mới tìm cách dạy”10. Đối với phẩm chất, năng lực của người giáo viên, Người yêu cầu “Giáó viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Thầy cô giáo phải gương mẫu”11.

Trong thư gửi cán bộ, giáo viên, học sinh nhân dịp bắt đầu năm học mới, người đã căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”12. Người nhắn nhủ: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”13. Người giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp, các chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt.

Trí thức có nhiều thành phần, trong đó có đội ngũ giảng viên (bao gồm cả giảng viên kiêm nhiệm) trong các trường đại học. Chức năng, nhiệm vụ của giảng viên đã được quy định rõ trong nhiều văn bản mang tính pháp lý. Đội ngũ giảng viên trong các trường đại học hiện nay là những trí thức có trình độ chuyên môn cao. Họ là nhân tố chính quyết định chất lượng đào tạo của nhà trường. Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng một đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học, có thể lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về phía nhà trường, cần coi trọng đội ngũ giảng viên. Có coi trọng đội ngũ giảng viên thì mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo cũng như vai trò, vị thế của nhà trường. Việc coi trọng đội ngũ giảng viên được thể hiện ở nhiều nội dung như công tác tuyển dụng; công tác đào tạo; bố trí, sắp xếp nhiệm vụ; đánh giá chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học; chế độ đãi ngộ và nâng cao đời sống của giảng viên... Công tác tuyển dụng cần lấy chất lượng chuyên môn, khả năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học làm đầu. Nhà trường cần có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, kể cả đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Có chính sách khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ ở trong nước và đặc biệt ở nước ngoài. Giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt nên tin tưởng giao phụ trách những nhiệm vụ quan trọng để giảng viên có điều kiện phát huy khả năng của mình và mang lại lợi ích cho nhà trường. Trong đánh giá giảng viên vào cuối kỳ, cuối năm ngoài những tiêu chí mềm như uy tín giảng viên trong đồng nghiệp, trong sinh viên, đóng góp của giảng viên đối với sự phát triển của nhà trường, phẩm chất chính trị, đạo đức thì cần có những tiêu chí cụ thể về số lượng, chất lượng giảng dạy, về các công trình nghiên cứu khoa học... Một giảng viên được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ hay không, ở mức độ nào cần phải được xem xét ở cả góc độ tiêu chuẩn cứng và tiêu chuẩn mềm.

Chế độ đãi ngộ đối với giảng viên là vấn đề rất quan trọng góp phần thu hút giảng viên có trình độ, có năng lực, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt đồng thời khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chế độ đãi ngộ trước hết tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của nhà trường, vào trình độ chuyên môn và đóng góp của giảng viên đối với nhà trường. Về vấn đề này không nên áp dụng chế độ đãi ngộ cào bằng đối với các giảng viên có trình độ chuyên môn khác nhau, cống hiến khác nhau. Chế độ đãi ngộ cào bằng đã thui chột động lực phấn đấu nâng cao trình độ và hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên. Có thể hiểu công bằng trong đãi ngộ dưới hai góc độ: căn cứ vào mức thu nhập mà mỗi người nhận được và căn cứ vào đóng góp tạo ra thu nhập. Dù dưới góc độ nào thì cũng có những ưu điểm và hạn chế của nó nên cần kết hợp cả hai.

Cùng với chế độ đãi ngộ, nhà trường cần tìm mọi giải pháp phù hợp, có tính khả thi để nâng cao đời sống cho giảng viên nói riêng và cán bộ, viên chức nói chung. Các Mác đã từng nói rằng, cội nguồn phát triển của xã hội không phải là quá trình nhận thức mà là các quan hệ của đời sống vật chất, tức là các lợi ích kinh tế của con người”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng dạy rằng, nước độc lập mà dân không được hưởng ấm no hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì.

Thứ hai, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Nữ công, Hội Cựu chiến binh... trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên. Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức này là động viên, khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người giảng viên, nâng cao trách nhiệm đối với sự phát triển của nhà trường đồng thời giám sát, phản biện mọi hoạt động trong nhà trường. Mỗi trường đại học có một lịch sử hình thành, có điều kiện hoàn cảnh khác nhau. Có những trường có bề dày lịch sử, đã khẳng định được uy tín trong đào tạo, có mối quan hệ hợp tác tốt với nhiều cơ sở đào tạo, có lượng sinh viên đông nên có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo.

Các tổ chức đoàn thể phải thông qua các phong trào thi đua để xây dựng khối đoàn kết giữa cán bộ, giảng viên, viên chức; giữa giảng viên và sinh viên, giữa sinh viên với nhau trong nhà trường. Muốn có đoàn kết thật sự thì trước hết cần phát huy dân chủ trong nhà trường.

Thứ ba, mỗi giảng viên cần nỗ lực phấn đấu để rèn luyện bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và các nhiệm vụ khác. Cho dù lãnh đạo nhà trường hay các tổ chức đoàn thể áp dụng nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ giảng viên, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Người giảng viên phải tâm huyết với nghề vì nghề của giảng viên liên quan trực tiếp đến con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người thầy giáo phải có cả tài lẫn đức. Muốn vậy, cùng với nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi giảng viên dù trong bối cảnh nào cũng phải coi trọng sự tu dưỡng, rèn luyện.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2004, tập 3, tr. 584.

2,3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 4, tr.80, 99.

4,5,6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 5, tr. 50, 131, 156.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 6, tr.202, 467.

8,9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 7, tr.32- 33, 34.

10,11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 9, tr.492, 493.

12,13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 12, tr.404, 403.

Nguyễn Thị Lan - Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/xay-dung-doi-ngu-tri-thuc-trong-cac-truong-dai-hoc-hien-nay-theo-tu-tuong-ho-chi-minh-51314.html