Xây dựng đời sống văn hóa: Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu

Kết quả phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' đã góp phần 'Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu'.

Nhiều tuyến đường được nhân dân trồng hoa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Trong ảnh: Đoạn đường hoa tại xóm Ao Trám, xã Động Đạt, Phú Lương.

Đích hướng đến của Phong trào là xây dựng một xã hội văn minh. Các cấp, ngành chức năng của tỉnh và toàn dân đã đồng lòng trên hành trình xây dựng đời sống văn hóa. Tập trung vào các nội dung như: giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao...

Trong triển khai thực hiện, việc xây dựng gia đình văn hóa được coi là một trong những nội dung trọng tâm của Phong trào. Theo đó hằng năm, trên toàn tỉnh có số hộ tham gia đăng ký đạt cao, cụ thể năm 2023 có gần 324.000 hộ đăng ký (đạt 97%); 2.215 xóm, tổ dân phố đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa (đạt 98%); hơn 1.500 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký (đạt 96%).

Kết quả trên tổng đăng ký có hơn 94% số hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa; gần 98% xóm, tổ dân phố đạt văn hóa; hơn 97% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Số hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa cao thể hiện một xã hội ổn định, phát triển bền vững. Từ Phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình mẫu mực, tích cực tham gia hiến của, hiến công xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Từ các khu dân cư, Phong trào được triển khai có hiệu quả, chất lượng, đã tạo sự gắn kết, thêm cơ hội cho người dân được gặp gỡ, chia sẻ tâm tư tình cảm, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, không có bạo lực.

Hầu hết các va chạm, xích mích được tổ hòa giải cơ sở giải quyết thấu đáo, không để thành điểm nóng. Cuộc sống thường ngày, bà con sẵn lòng giúp đỡ lẫn nhau. Ví như phong trào giúp nhau giảm nghèo của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đã có hàng tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế mỗi năm. Rồi các gia đình có người bị nghiện ma túy được bà con chòm xóm chia sẻ, động viên từ bỏ để cùng nhau xây dựng gia đình văn hóa.

Để Phong trào có nền nếp, đi vào đời sống nhân dân, hầu hết các xóm, tổ dân phố thực hiện treo bảng quy ước, hương ước trước cửa nhà văn hóa. Đặc biệt là ban công tác mặt trận các xóm, tổ dân phố tích cực vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng Phong trào; tổ chức cho người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; thành lập và duy trì hoạt động của câu lạc bộ theo sở thích; tạo thuận lợi để người dân phát huy khả năng của mình trong xây dựng đời sống văn hóa.

Từ năm 2023, các khu dân cư trên toàn tỉnh đã triển khai, vận động nhân dân đăng ký tham gia thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ tiêu chí được ví như cẩm nang giúp các gia đình có cuộc sống nền nếp, các thành viên trong gia đình biết tôn trọng lẫn nhau, theo đó chất lượng gia đình đạt chuẩn văn hóa được nâng cao.

Gia đình văn hóa là kết quả của từng thành viên trong gia đình cùng tạo dựng. Từ mỗi cá nhân cũng có ý thức, trách nhiệm hơn khi tham gia các hoạt động chung ở khu dân cư, như việc vệ sinh môi trường, đóng góp làm đường điện chiếu sáng, đối ứng xây dựng nhà văn hóa, sân chơi thể thao, bài trừ tệ nạn xã hội, không theo tà đạo, tích cực tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của địa phương, nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Kết quả của Phong trào đã tác động tích cực đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đồng thời hình thành nên những con người có lối sống lành mạnh, biết chia sẻ yêu thương và đồng thuận xây dựng một xã hội ngày càng văn minh, hiện đại.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202401/xay-dung-doi-song-van-hoa-nhan-cai-dep-dep-cai-xau-db21763/