Xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực biên giới Lai Châu

Địa bàn biên giới Lai Châu gồm các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, là nơi cộng cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số với một vài tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của bà con còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là về mùa mưa… đã trở thành vật cản lớn, kìm hãm sự phát triển nói chung và chất lượng, hiệu quả phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn nói riêng.

Màn hát múa “Lai Châu ngày mới” xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn đạt giải A tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng các xã biên giới tỉnh Lai Châu năm 2017. Ảnh: Nhật Minh

Trước những khó khăn, bất cập trên, thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các đồn BP tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng triển khai thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung và phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa nói riêng gắn với xây dựng nông thôn mới thông qua những việc làm thiết thực, hiệu quả. Đó là, BĐBP phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Văn hóa, Đoàn Nghệ thuật tỉnh xây dựng và biểu diễn hàng trăm chương trình nghệ thuật, thông tin lưu động, phục vụ hàng vạn lượt cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; phối hợp với Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tổ chức hàng trăm buổi chiếu phim lưu động; tổ chức tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh các xã biên giới với 7 thứ tiếng: Kinh, Thái, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Mảng...

Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện và Ban Văn hóa các xã biên giới, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân các xã biên giới; kết hợp biểu diễn văn nghệ, giao lưu giữa đồn BP và Đoàn thanh niên các xã biên giới nhân các ngày lễ, kỷ niệm.

Phương pháp tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú như tuyên truyền miệng, chiếu video, giao lưu văn nghệ. Điển hình thực hiện tốt công tác tuyên truyền là các xã: Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Dào San, huyện Phong Thổ; Pa Tần huyện Sìn Hồ; Hua Bum, huyện Nậm Nhùn; Thu Lũm, huyện Mường Tè...

Trung tá La Ngọc Dương, Chính trị viên Đồn BP Hua Bum chia sẻ: “Các hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ kết hợp lồng ghép nội dung tuyên truyền chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; bài trừ mê tín dị đoan; Luật Phòng chống ma túy; Luật Biên giới quốc gia, hay tuyên truyền trực tiếp tại các bản, hộ gia đình về các chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa, xây dựng nông thôn mới... đã góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân và thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc nơi biên giới”.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh còn là đầu mối kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong tỉnh và cả nước hướng về đồng bào nghèo biên giới đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. BĐBP phối hợp với chính quyền địa phương và các ban soạn thảo, lấy ý kiến và trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các quy ước, hương ước gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phong trào “Quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, phong trào tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản...

Hằng năm, các đồn BP còn chủ động tham mưu phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương duy trì hoạt động của các đội văn nghệ ở các xã, bản; tổ chức các lễ hội dân gian tại các xã, bản theo phong tục tập quán của từng dân tộc, như: lễ hội Gầu tào ở xã Dào San; lễ hội Ăn trộm của dân tộc Dao xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ; Tết Màu mưa của dân tộc Hà Nhì, huyện Mường Tè... Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trước nguy cơ mai một, thất truyền và sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai.

Những cách làm thiết thực, hiệu quả của các chiến sỹ mang quân hàm xanh đã góp phần đẩy lùi các tập tục lạc hậu; đồng thời, những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp trong sinh hoạt hàng ngày, những bài ca, điệu múa, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn; quan hệ gia đình, xóm giềng ngày càng gắn bó. Cho đến nay, địa bàn biên giới Lai Châu có 121/230 bản ở khu vực biên giới đạt danh hiệu Bản văn hóa, 7.165/14.875 hộ đạt chuẩn Gia đình văn hóa.

Nhật Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xay-dung-doi-song-van-hoa-o-khu-vuc-bien-gioi-lai-chau/