Xây dựng gần 30 tỉ đồng để nứt, nứt... và lún

THCS Cao Bá Quát, xã Vĩnh Thái (TP Nha Trang, Khánh Hòa) được xây mới bằng vốn ngân sách với tổng kinh phí hơn 28,7 tỉ đồng. Vừa bàn giao được 3 tháng đã xuất hiện nhiều vết nứt, nền có dấu hiệu lún khiến thầy cô và hàng trăm em học sinh học trong sợ hãi.

Vết nứt chằng chịt trên các trụ

“Hằng ngày đón con mà thấy bất an, trụ đỡ thì bị nứt, nền sụt. Tôi nghe con nói trong lớp học cũng bị nứt rất nhiều. Sao trường vừa khánh thành được khoảng ba tháng mà hư hỏng như vậy. Ngày nào cũng lo khi con ngồi học trong đó”, chị Lê Thị Lành, trú xã Vĩnh Thái lo lắng.

Vá chỗ này, nứt chỗ khác

Theo quan sát, trên các bức tường, cột trụ Trường THCS Cao Bá Quát chi chít các vết nứt, có nhiều vết dài cả mét. Mỗi trụ xuất hiện ít nhất một vết, có trụ tới 5 vết. Nhà thầu xây dựng đang cho thợ sửa chữa các vết nứt và sơn trám lại. “Các vết nứt này có lâu rồi, tháng trước cũng đã vá một lần, nay xuất hiện nữa nên vá tiếp”, một công nhân cho hay.

Không chỉ các phụ huynh có con đang theo học, mà ngay cả các thầy cô giáo cũng luôn ở trong trạng thái bất an mỗi khi lên lớp. “Vết nứt quá nhiều khiến chúng tôi không yên. Nghe nhà thầu nói không việc gì, nhưng chúng tôi là giáo viên, không có chuyên môn về xây dựng làm sao dám chắc các vết nứt kia có nguy hiểm hay không”, một thầy giáo nói và cho biết thêm ngoài các vết nứt, hiện công trình cũng có rất nhiều lỗi như thấm dột, cửa phòng không đóng được và có dấu hiệu hư hỏng khi mới đi vào sử dụng 3 tháng.

Thầy Nguyễn Công Thự, Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát cho biết, ngay thời điểm trường được bàn giao cuối tháng 8.2018 thì các vết nứt và các lỗi thấm dột đã có. “Đã có nhiều đoàn đến kiểm tra, họ bảo công trình an toàn nên chúng tôi cũng chỉ biết vậy thôi. Cũng băn khoăn và lo lắng cho học sinh khi công trình như vậy, an toàn hay không thì phải để các chuyên gia về xây dựng nhận định”, thầy Thự nói. Cũng theo thầy Nguyễn Công Thự, Trường THCS Cao Bá Quát hiện có 13 lớp học với 476 học sinh. “Nhà thầu nói sẽ khắc phục, sau khi vá lại sẽ hết nứt, nhưng từ khi nhận bàn giao đến nay đã 3 tháng mà vá vẫn chưa xong, vá chỗ này thì chỗ khác lại nứt. Công trình được bảo hành 12 tháng, trong thời gian này có nứt nẻ họ còn sửa chữa, nhưng khi hết bảo hành rồi mà có vấn đề gì thì ai là người chịu trách nhiệm, nhà trường lấy đâu ra tiền sửa”, Thầy Thự lo lắng.

Công nhân đang sửa chữa các vết nứt

Do sử dụng gạch không nung?

Trường THCS Cao Bá Quát được xây dựng với tổng kinh phí hơn 28,7 tỉ đồng, dự án do Ban quản lý các dự án công trình xây dựng Nha Trang làm chủ đầu tư. Công ty TNHH xây dựng Trường An thi công. Ông Nguyễn Thành Vân, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án công trình xây dựng Nha Trang thừa nhận, việc xuất hiện nhiều vết nứt tại trường Cao Bá Quát là chính xác. “Công trình sử dụng gạch không nung nên xảy ra tình trạng nứt, hầu hết các công trình sử dụng loại gạch này đều bị như thế và nó không ảnh hưởng đến chất lượng, chỉ khi nào mà công trình nứt dọc một đường lớn thì đó mới là hiện tượng lún móng…”, ông Vân nói và khẳng định chất lượng công trình không bị ảnh hưởng.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy có nhiều vết nứt thẳng đứng kéo dài ở các trụ. Ngoài ra, các góc giáp giữa sàn tầng hai cũng xuất hiện các vết nứt lớn. Vấn đề này, Ban quản lý các dự án công trình xây dựng Nha Trang cho biết sẽ kiểm tra.

Theo một kỹ sư xây dựng, việc sử dụng gạch không nung đang được Bộ Xây dựng khuyến khích sử dụng và hiện tượng co rút dẫn đến xuất hiện các vết nứt khi sử dụng loại gạch này là có. Tuy nhiên, việc nứt hàng loạt như phản ánh ở trường Cao Bá Quát là bất thường, cần phải kiểm tra kỹ mới biết chính xác các vết nứt là do yếu tố gạch, hay chất lượng công trình.

Đã có nhiều đoàn đến kiểm tra, họ bảo công trình an toàn nên chúng tôi cũng chỉ biết vậy thôi. Cũng băn khoăn và lo lắng cho học sinh khi công trình như vậy, an toàn hay không thì phải để các chuyên gia về xây dựng nhận định.

(Thầy Nguyễn Công Thự, Trường THCS Cao Bá Quát)

Lê Xuân

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/xa-hoi/artmid/619/articleid/13361/xay-dung-gan-30-ti-dong-de-nut-nut-va-lun