Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, đất nước phồn vinh, giàu mạnh.

Gia đình anh Minh trò chuyện với Ban Chấp hành Hội LHPN xã Hòa Kiến. Ảnh: THIÊN LÝ

Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, từng thời kỳ phát triển của đất nước, việc xây dựng gia đình hạnh phúc là vấn đề được đặt lên hàng đầu.

Vun vén, gìn giữ hòa khí gia đình

Đến thăm gia đình anh Lê Văn Minh và chị Đỗ Thị Trưởng ở thôn Ngọc Phong (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa), chúng tôi khá ấn tượng bởi sự gần gũi, chất phác của họ. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, anh Minh bảo đó là thành quả nỗ lực lao động của hai vợ chồng trong nhiều năm. Trong ngôi nhà ấy, không khí gia đình ấm áp, hạnh phúc luôn ngập tràn.

Anh Minh kể lại, hai vợ chồng anh quen nhau từ thuở cơ hàn. Lúc ấy cả hai làm việc trong một xưởng may tại TP Hồ Chí Minh. Được một thời gian, vợ chồng anh Minh quyết định về quê, vay vốn mở xưởng may riêng. “Từ khi mở xưởng may tại nhà, vợ chồng tôi luôn cố gắng đồng hành trong mọi việc, từ quản lý sản xuất, quán xuyến việc gia đình, nuôi dạy con cái đến tham gia các hoạt động phong trào của địa phương. Trong cuộc sống gia đình, chúng tôi luôn tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ và cảm thông cho nhau; biết nhường nhịn và cùng nhau vun vén, giữ hòa khí gia đình”, anh Minh nói.

Vợ chồng anh Minh có 2 cậu con trai. Con lớn đang là sinh viên năm thứ 3, còn con út là học sinh lớp 10. Cả hai đều ngoan và chăm học. Đó cũng là điều mà anh Minh cảm thấy yên tâm, hạnh phúc nhất khi nhắc đến hai con mình. “Vợ chồng chúng tôi thường cùng nhau làm việc nhà, tranh thủ hướng dẫn việc học hành, giáo dục các con về nhân cách sống... Hơn hết, chúng tôi rất quan tâm đến bữa cơm gia đình, duy trì được những bữa cơm hàng ngày để cả nhà cùng ngồi ăn và trò chuyện. Thông qua bữa cơm gia đình, chúng tôi sẽ nhắc nhở việc học tập của các con, cũng như trao đổi những khó khăn, vướng mắc của từng thành viên để cùng nhau giải quyết”, anh Minh chia sẻ về gia đình nhỏ của mình.

Tương tự, mặc dù rất bận rộn với công việc nhưng đối với vợ chồng chị Lê Thị Thanh Hoa ở thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, việc gìn giữ hạnh phúc mái ấm gia đình quan trọng hơn hết. “Những giây phút vui đùa bên các con là khoảng thời gian chúng tôi tìm được sự thoải mái và thảnh thơi nhất sau những áp lực cơm, áo, gạo, tiền. Càng bận rộn, vợ chồng tôi càng trân trọng quãng thời gian đó hơn. Đây cũng là cách để các thành viên trong gia đình tôi có cơ hội thể hiện sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau”, chị Hoa nói.

Từ gia đình của anh Minh, chị Hoa, có thể thấy những gia đình trẻ luôn là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tác động của cơ chế thị trường, của nhịp sống hiện đại. Chính tình cảm yêu thương, sự sẻ chia, chăm sóc lẫn nhau là chất men để giữ cho gia đình họ luôn trong ấm, ngoài êm.

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% hộ gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt trên 95% công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình...

Cùng với đó, nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ngành và địa phương cũng đã và đang tăng đầu tư nguồn lực, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, vận động giáo dục, hoàn thiện khung pháp luật để triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược, kế hoạch về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, ban hành.

ThS Nguyễn Thị Phượng, Trường đại học Phú Yên, cho rằng: Văn hóa gia đình được thể hiện qua thuần phong, mỹ tục, nếp sống, tư cách đạo đức, tác phong của người làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng...; là sự tiếp nối văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống, văn hóa họ tộc. Gia đình Phú Yên cũng không ngoại trừ những đặc tính ấy. “Ngày nay, văn hóa gia đình còn có thêm những cung bậc mới như: nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đầu tư cho con cái học hành thành tài để phục vụ xã hội. Văn hóa gia đình trở thành nền tảng tổ ấm cho các thành viên, vừa là hàng rào ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực xã hội, trở thành cái nôi cho các thành viên trong gia đình quấn quýt bên nhau hơn, tránh những xung đột, bạo lực gia đình không đáng có...”, ThS Nguyễn Thị Phượng nói.

Theo Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, mục tiêu chung là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái, chung thủy nghĩa tình, góp phần nhân rộng các giá trị tốt đẹp, thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/272584/xay-dung-gia-dinh-am-no-tien-bo-hanh-phuc-van-minh.html