Xây dựng hạ tầng Thủ đô văn minh, hiện đại

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và giao thông tại Hà Nội còn không ít hạn chế, nhất là các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, xử lý rác thải… Cùng với việc tập trung nguồn lực, thành phố cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để hoàn thành mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Công trình đường vành đai 2 trên cao đoạn ngã tư Sở - ngã tư Vọng góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc. Ảnh: DUY LINH

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và giao thông tại Hà Nội còn không ít hạn chế, nhất là các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, xử lý rác thải… Cùng với việc tập trung nguồn lực, thành phố cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để hoàn thành mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Những chuyển biến rõ nét

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến ngày 15-12-2020, sở đã hoàn thành 1.172 nhiệm vụ trong số 1.242 nhiệm vụ do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao (đạt 94,36%), 70 nhiệm vụ còn lại đang được thực hiện. Năm 2020, trên địa bàn thành phố có năm dự án nhà ở xã hội hoàn thành, với hơn 550.280 m2 sàn với 5.348 căn hộ; 89 dự án nhà ở thương mại với 6,6 triệu mét vuông sàn, 53.644 căn hộ; năm dự án nhà ở tái định cư, với hơn 154.270 m2 sàn, 1.723 căn hộ. Sở Xây dựng đã chủ trì xây dựng dự thảo Đề án “Cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”, lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng và đang tiếp tục hoàn chỉnh Đề án theo góp ý của Bộ Xây dựng và tham mưu, báo cáo UBND thành phố. Tuy nhiên, hoạt động của Sở Xây dựng còn không ít hạn chế. Đó là công tác vệ sinh môi trường chưa chuyển biến rõ nét. Vấn đề quá tải, ô nhiễm tại các bãi rác chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc người dân sinh sống chung quanh khu vực. Vi phạm trật tự giảm mạnh, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Các dự án phát triển nước sạch nông thôn triển khai chậm trễ…

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội thời gian qua cũng đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, không chỉ góp phần cải thiện diện mạo, mà còn tạo động lực phát triển Thủ đô. Trong năm 2020, sở phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố và các đơn vị liên quan đưa vào khai thác, sử dụng công trình cầu vượt Nguyễn Văn Huyên; đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long dưới thấp và trên cao; đường vành đai 2 trên cao đoạn ngã tư Sở - ngã tư Vọng... góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ giải pháp của đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”; một số chỉ tiêu ngành đã có những chuyển biến tích cực, cụ thể: tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 10,07% (năm 2019 tỷ lệ này là 9,75%).

Chọn việc cụ thể để làm ngay

Trên cơ sở nhận diện các nhóm nguyên nhân cơ bản gây ra ùn tắc giao thông, Sở GTVT đã đề xuất chín nhóm giải pháp tương ứng nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố; xử lý tám điểm trong số 34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; xử lý xong 25 “điểm đen” giao thông. Năm 2021, tiếp tục rà soát, có phương án xử lý 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới. Đồng thời xây dựng và triển khai từng bước phương án kết nối tuyến với mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn để phát huy hiệu quả khi đưa vào khai thác, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Sở GTVT cũng đề nghị thành phố triển khai ngay một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh dẫn đến thắt nút cổ chai gây ùn tắc giao thông, gồm nút Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ; đường 70 đoạn Nhổn - Hà Đông và Hà Đông - Văn Điển; đường Nguyễn Tuân; đường Nguyễn Phong Sắc (đoạn từ Tô Hiệu - Hoàng Quốc Việt); dốc Vĩnh Hưng; nút giao Ba La - QL6… Đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; dự án vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - ngã tư Vọng; hầm chui Lê Văn Lương; dự án cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên giai đoạn 2… để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông Thủ đô.

Xác định rõ tầm quan trọng của ngành xây dựng và ngành giao thông là cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân, mà còn là động lực thúc đẩy Thủ đô phát triển, ngày 22-12, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Sở Xây dựng, Sở GTVT. Trong đó, cùng với việc gợi mở, chỉ ra những định hướng mang tầm chiến lược, dài hơi, đồng chí nhấn mạnh, trước mắt trong năm 2021, hai sở cần chọn những việc cụ thể để tạo chuyển biến. Trong đó, Sở Xây dựng cần rà soát, đôn đốc xây dựng công viên, cây xanh tại các ô đất xen kẹt ở các quận, huyện; khai thác hiệu quả phần diện tích tầng 1 các chung cư tái định cư. Đối với Sở GTVT, cần tập trung phát triển ngành kinh tế vận tải theo hướng tăng cường kết nối, ứng dụng công nghệ, chú trọng phát triển các mô hình chia sẻ, đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô. Đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông, phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng, cải thiện cảnh quan môi trường, chất lượng không khí...

Đối với công tác quy hoạch, nhất là chương trình phát triển đô thị, đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan của thành phố cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện và nêu rõ mốc thời gian thực hiện cụ thể. Thực hiện sắp xếp các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên, trong đó xúc tiến chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án mới, các dự án mang tính động lực cho Thủ đô phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.

ĐẮC SƠN và QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/xay-dung-ha-tang-thu-do-van-minh-hien-dai--629380/