XÂY DỰNG HÀNH LANG PHÁP LÝ TẠO ĐÀ PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH VIỆT NAM

Sáng 22/9, tại Hội thảo 'Kinh doanh bất động sản du lịch – Thực trạng và những vấn đề pháp lý đặt ra' do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học tổ chức, nhiều chuyên gia đề xuất, cần sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý tạo đà phát triển bất động sản du lịch Việt Nam...

Toàn cảnh Hội thảo

TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và ông Vũ Văn Huân Chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các đại diện cơ quan cùng các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ: Viện Nghiên cứu lập pháp, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, Học viện Phụ nữ,…

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản du lịch đang có sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ và được dự đoán còn tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt là nhu cầu du lịch sau giai đoạn dịch Covid – 19 chấm dứt đã tăng rất cao ở cả khách du lịch trong và ngoài nước.

Để thị trường bất động sản du lịch phát triển có hiệu quả, phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của các vùng, miền trong cả nước, tạo nên sức hấp dẫn và phục vụ tốt nhu cầu của khách du lịch thì cần thiết phải có sự nhận định đúng đắn vai trò của thị trường bất động sản du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống chính sách pháp luật về kinh doanh bất động sản ở nước ta và thực tế việc đầu tư, phát triển bất động sản du lịch còn tồn đọng rất nhiều vấn đề cần giải phải quyết triệt để nhằm mục đích phát triển của thị trường bất động sản và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới.

TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và ông Vũ Văn Huân Chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia và các nhà khoa học tập trung trao đổi và thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề: Pháp luật về sử dụng đất kết hợp với yêu cầu phát triển bất động sản du lịch ở Việt Nam; Bản chất pháp lí của mô hình Condetel nhìn từ góc độ căn hộ du lịch trong dự thảo kinh doanh bất động sản; Bảo đảm quyền sở hữu bên mua trong hợp đồng bán Condetel – Một số bất cập và hướng hoàn thiện; Kinh doanh nhà phố du lịch (Shoptel) – Những vấn đề pháp lý đặt ra,…

Liên quan tới vấn đề xác định quy chế sử dụng đất trong kinh doanh bất động sản du lịch. TS. Châu Hoàng Thân cho rằng hiện nay, chúng ta đang lúng túng trong công tác quản lý đối với kinh doanh bất động sản du lịch. Đồng thời, chúng ta vẫn chưa có khung pháp lý phù hợp để giúp cho bất động sản du lịch phát triển một cách mạnh mẽ hơn và khai thác tối ưu tiềm năng của nguồn lực này.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Trường Đại học Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội

Vấn đề bản chất pháp lý của mô hình Condetel. PGS.TS.Doãn Hồng Nhung nhận định các quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản căn hộ du lịch chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Nhận thấy những bất cập, PGS.TS.Doãn Hồng Nhung đề xuất cần định nghĩa cụ thể và chi tiết khái niệm “bất động sản du lịch”; thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện giao kết bất động sản căn hộ du lịch hình thành trong tương lai; thứ ba, phải quy định về việc sở hữu căn hộ du lịch đối với cá nhân nước ngoài. Bên cạnh đó, khi xây dựng Condetel, các nhà đầu tư cần phải tuân thủ Luật Xây dựng, chú ý đến vấn đề an toàn cho khách sử dụng.

Cũng tại Hội thảo, vấn đề pháp lí đối với việc kinh doanh nhà phố du lịch (Shoptel) cũng được đề cập. Trình bày tại Hội thảo về vấn đề này, theo ThS.NCS.Phùng Thị Phương Thảo, thứ nhất, Shoptel là 1 trong những mô hình mới du nhập vào Việt Nam là hình thức du lịch vừa kết hợp du lịch và mua sắm, được các chủ đầu tư quan tâm vì giá trị cũng như lợi nhuận mà mô hình này mang lại. Nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể giải mã khái niệm nhà phố du lịch là gì.

ThS.NCS. Phùng Thị Phương Thảo, Giảng viên Khoa Luật - Học viện Phụ nữ Việt Nam

Thứ hai, liên quan đến quyền sở hữu nhà phố du lịch, người sở hữu mô hình du lịch này phải có đầy đủ quyền năng của chủ sở hữu công trình xây dựng gắn liền với quyền sử dụng đất cụ thể. Tuy nhiên, Shoptel thường không phải do từng người mua cụ thể thực hiện việc xây dựng mà được thực hiện theo dự án, theo yêu cầu xây dựng đã được duyệt. Điều này được lý giải bởi tính chất và mục đích của nhà phố du lịch, vừa thúc đẩy hàng hóa, du lịch và đảm bảo cả yếu tố thẩm mỹ. Vì vậy, người mua phải có quyền chiếm hữu những công trình xây dựng Shoptel, sử dụng nó theo đúng công dụng và có thể bán được cho người mua khác.

TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu kết thúc hội thảo

Qua các vấn đề được trình bày tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học nhất trí rằng kinh doanh bất động sản du lịch là một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam. Từ thực tiễn vẫn còn những bất cập, cho nên về mặt quan điểm chỉ đạo đối với vấn đề kinh doanh bất động sản du lịch cần có một quan điểm chính thức về mặt luật pháp, đưa ra được những định hướng cụ thể.

Kết thúc Hội thảo, TS.Lê Hải Đường phát biểu cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học đã tham dự Hội thảo, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Các ý kiến này sẽ được tiếp thu tổng hợp đầy đủ làm nguồn thông tin tham khảo quý báu trong quá trình hoàn thiện Đề tài khoa học và gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo

TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và ông Vũ Văn Huân Chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì Hội thảo

Ông Vũ Văn Huân - Chủ nhiệm Đề tài khoa học

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Trường Đại học Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội

ThS.NCS. Phùng Thị Phương Thảo, Giảng viên Khoa Luật - Học viện Phụ nữ Việt Nam

TS. Châu Hoàng Thân, Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo cấp bộ: “Kinh doanh bất động sản du lịch – Những vấn đề pháp lý đặt ra”, ĐTCB.2022-05

Các vị chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo./.

Ngọc Thúy - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80194