Xây dựng hậu phương chuẩn bị kháng chiến lâu dài

Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, rồi mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội.

Trước tình hình đó, cùng với việc củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài, trong đó có chuẩn bị hậu phương kháng chiến.

Để thực hiện chủ trương trên, từ Trung ương đến các địa phương đều khẩn trương triển khai các biện pháp cụ thể xây dựng hậu phương chiến lược, tổ chức chiến trường. Tháng 10-1945, Chính phủ quyết định thành lập các chiến khu, chia cả nước thành 7 chiến khu: 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 11, bổ nhiệm khu trưởng và ủy viên chính trị chiến khu. Tháng 11-1945, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc. Tháng 12-1945, Chính phủ quyết định thành lập Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam. Trong phiên họp thứ hai của Quốc hội khóa I (từ ngày 28-10-1946 đến 9-11-1946), Quốc hội quyết định: Thống nhất Quân sự ủy viên với Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy thành Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy và tổ chức chiến trường cả nước thành 12 chiến khu: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12. Bộ chỉ huy các chiến khu đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy. Khu đặc biệt Hà Nội được đổi tên là Chiến khu 11. Khu ủy, Ủy ban Bảo vệ, Bộ chỉ huy Chiến khu 11 đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Thành ủy Hà Nội được kiện toàn và đổi thành Khu ủy 11. Bộ chỉ huy Chiến khu 11 quản lý, chỉ huy cả lực lượng Vệ Quốc đoàn và dân quân, tự vệ tại Thủ đô.

 Du kích xã Bắc Ái (nay là xã Chu Phan, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) huấn luyện cách đánh chông, ngăn chặn quân Pháp tiến công lên Tây Bắc. Ảnh tư liệu.

Du kích xã Bắc Ái (nay là xã Chu Phan, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) huấn luyện cách đánh chông, ngăn chặn quân Pháp tiến công lên Tây Bắc. Ảnh tư liệu.

Tranh thủ thời cơ ta và Pháp ký Hiệp định sơ bộ (6-3-1946), các địa phương trên cả nước đẩy mạnh việc củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng LLVT, dân quân, du kích và củng cố các căn cứ kháng chiến. Chính quyền cách mạng được xây dựng và củng cố ở hàng nghìn xã; vùng giải phóng ở nông thôn được mở rộng. Hệ thống căn cứ địa kháng chiến với các căn cứ du kích được hình thành, nối liền từ xứ ủy xuống khu, tỉnh, huyện, nhất là ở Đông Nam Bộ. Ở Hà Nội, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bộ Việt Minh, Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy một mặt chuẩn bị vị trí di chuyển về phía tây và tây nam Hà Nội, mặt khác cử các đội công tác lên Việt Bắc chuẩn bị căn cứ.

Các tài sản có giá trị như máy móc để thành lập các công binh xưởng đều được chuyển vào các chiến khu. Một số nơi có điều kiện còn tiến hành cất trữ lương thực, thực phẩm (chủ yếu là muối, gạo) cho cuộc chiến đấu sắp tới. Biết chắc địch sẽ đánh ta, ta buộc phải đánh địch, nên từ Trung ương đến địa phương đều ra sức chuẩn bị mọi mặt cho cả nước kháng chiến theo khả năng của mình.

Ở Đông Nam Bộ, công nhân các hãng xưởng như Ba Son, nhà đèn Chợ Quán, sở Mộ, kho đạn, công ty xe điện... mang theo máy móc, nguyên liệu ra vùng ven lập nên hàng chục cơ sở sửa chữa, chế tạo vũ khí. Với bán kính khoảng 100km từ trung tâm Sài Gòn, ta đã có hơn 20 binh công xưởng đặt ở các vùng: Đồng Nai, Bà Rịa, Tây Ninh, Chiến khu Đ... Ở Trung Nam Bộ có binh công xưởng 1 (Tân An, Mỹ Tho) và 2 (Bến Tre). Ở Tây Nam Bộ, hầu hết các tỉnh, như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Hà Tiên, Long Xuyên, Châu Đốc, đảo Phú Quốc... đều thành lập các xưởng quân khí với lực lượng nòng cốt gồm các thợ máy, thợ tiện, nguội, đúc, gò, rèn mộc...

Ở Khu 5, các xưởng quân giới được khẩn trương xây dựng ở miền Tây, chân dải Trường Sơn, những vùng hẻo lánh để giữ bí mật, an toàn. Các địa phương đều tích cực thu thập máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật liệu, nhiên liệu từ nhiều nguồn, nhất là từ thành phố, thị xã để các xưởng có điều kiện tối thiểu, kịp thời sửa chữa, sản xuất vũ khí. Ở Khu 4, hầu hết các tỉnh đều lập xưởng sản xuất vũ khí. Nghệ An có 3 xưởng, Thừa Thiên có 2 xưởng; Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, mỗi tỉnh có 1 xưởng. Ở Bắc Bộ, ngoài các xưởng quân giới được thành lập ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình... còn có các xưởng vũ khí dân quân ở Cao Bằng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Yên Bái, Phú Thọ, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình...

Thực hiện chủ trương "vườn không nhà trống", nhân dân ta đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, công việc tản cư, di cư nhân dân được Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, hướng dẫn, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trong chuyển đất nước vào thời chiến. Với sự nỗ lực toàn diện, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã chuẩn bị mọi mặt để toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp.

Đại tá VŨ HỒNG KHANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/xay-dung-hau-phuong-chuan-bi-khang-chien-lau-dai-552449