Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong hệ thống giáo dục

Đề án 'Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025' được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10-2017 và từ đó đến nay đã có những chuyển động tích cực trong hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở giáo dục (sau đây gọi tắt là hệ thống giáo dục - HTGD). Các chương trình đào tạo giảng viên, tổ chức các sự kiện, kết nối doanh nghiệp và các quỹ đầu tư... đang được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống này.

Ảnh: Thành Hoa

Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo (HSTKN-ĐMST) trong HTGD, theo người viết bài này, các trường đại học, cao đẳng cần xác định và tập trung vào những vấn đề cụ thể. Một trường đại học nhỏ hoặc một trường cao đẳng có nguồn lực tài chính và công nghệ hạn chế sẽ có những chiến lược phát triển HSTKN-ĐMST khác hẳn các trường đại học lớn có nhiều nguồn lực. Những chia sẻ cụ thể dưới đây hy vọng sẽ đóng góp thêm cho các nhà trường trong việc xây dựng chiến lược phát triển HSTKN-ĐMST hiệu quả, phù hợp với nguồn lực có hạn.

1. Xác định cấp độ phát triển khởi nghiệp-ĐMST và nguồn nội lực:

HTGD có thể kiến tạo khởi nghiệp bằng việc giúp cho sinh viên tìm một nghề phù hợp với tâm thế đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, khởi nghiệp truyền thống - thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa, cuối cùng là khởi nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo có khả năng nhân rộng.

Các trường cần xác định rõ khả năng của mình tới đâu, từ đó lập chiến lược phát triển khởi nghiệp (KN)-ĐMST. Khi xác định rõ đầu ra sẽ giúp cho nhà trường phát triển giảng viên và chuyên viên phù hợp. Đầu ra phù hợp cũng định hướng giúp cho nhà trường cộng hưởng với các thành phần khác trong hệ sinh thái địa phương. Nhà trường cần đánh giá các nguồn lực như mặt bằng, hạ tầng công nghệ, các ngành đào tạo nhà trường có thế mạnh, nguồn lực tài chính để có chiến lược phát triển phù hợp với mục tiêu định sẵn đã đề cập.

2. Bộ phận chuyên trách cho HSTKN-ĐMST:

Các trường cần kiên quyết thành lập các bộ phận chuyên trách cho HSTKN-ĐMST cho dù chỉ có một chuyên viên. Tự chủ, độc lập, linh hoạt và ứng phó là những điều kiện cần thiết cho khởi nghiệp thành công và cũng đúng cho bộ phận thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong HTGD.

Bộ phận chuyên trách này sẽ chịu trách nhiệm lập chiến lược, kế hoạch và các chỉ số đo lường xây dựng hệ sinh thái. Bên cạnh quyền tự chủ, bộ phận này cần được ban giám hiệu nhà trường hỗ trợ tối đa trong chính sách để giúp phối hợp suôn sẻ, thuận lợi với các khoa và phòng ban khác trong trường. Tâm lý ngại triển khai cái mới, ngại gánh thêm việc của các phòng ban sẽ là những rào cản lớn nhất và khó khăn nhất khi triển khai HSTKN-ĐMST trong nhà trường.

3. Xây dựng lực lượng giảng viên và chuyên viên hỗ trợ KN-ĐMST:

Nhà trường cần nhanh chóng đào tạo lực lượng giảng viên và chuyên viên KN-ĐMST càng sớm càng tốt. Tỷ lệ tối ưu cho số lượng nhân sự này là 1:500 sinh viên. Các nhân sự tham gia hoạt động này không nhất thiết phải là chuyên trách và không chỉ thuộc khoa quản trị kinh doanh hay kinh tế. Các giảng viên có thể từ các khoa có chuyên môn liên quan tới khởi nghiệp như công nghệ thông tin, hóa thực phẩm... Trong thời gian gần đây, có rất nhiều hoạt động hỗ trợ đào tạo giảng viên và chuyên viên KN-ĐMST như các chương trình đào tạo tại các đại học lớn ở Hà Nội và TPHCM.

Nhà trường cần chú ý tới sự khác biệt giữa giảng viên và chuyên viên KN-ĐMST. Giảng viên tập trung vào công tác đào tạo, cố vấn, giúp các cá nhân khởi nghiệp (startup) phát triển và thành công. Còn chuyên viên KN-ĐMST là những người chịu trách nhiệm phát triển các hoạt động KN-ĐMST, xây dựng mạng lưới nhà đầu tư, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ startup, hoặc các hoạt động cộng đồng như hội thảo hoặc cuộc thi. Tỷ lệ lý tưởng cho giảng viên và chuyên viên là 5:1 tại các trường.

4. Thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học và tham gia của giảng viên trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo:

Cốt lõi của khởi nghiệp là công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do vậy các trường cần chú trọng các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học từ giảng viên và sinh viên. Nhà trường tập trung nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, không nhất thiết hiện đại nhưng cần phù hợp và tạo giá trị cho địa phương. Nếu như nhà trường có được phong trào nghiên cứu khoa học mạnh mẽ thì đó là tiền đề cho kiến tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ.

Nhà trường cũng cần thúc đẩy các giảng viên, các chuyên gia đầu tư vào việc nghiên cứu và khởi nghiệp khoa học công nghệ thay vì chỉ tập trung cho các sinh viên trẻ. Lực lượng giảng viên và chuyên gia nghiên cứu mới là nguồn lực bền vững và lâu dài cho khởi nghiệp kiến tạo giá trị trong xã hội.

5. Cộng hưởng với hệ sinh thái khởi nghiệp và các trường khác:

Nguồn lực luôn luôn hạn chế so với mong muốn kết quả có được. Các trường cần xác định nguồn lực mạnh nhất của mình và những nguồn lực cần sự cộng hưởng từ bên ngoài thậm chí từ những trường đại học khác. Chẳng hạn, khởi nghiệp đòi hỏi kiến thức hoàn chỉnh về kinh tế và công nghệ, như vậy nếu một trường kinh tế cộng hưởng với trường khác về công nghệ sẽ giúp các hoạt động KN-ĐMST mạnh hơn cho cộng đồng sinh viên tại cả hai trường.

Tại các địa phương, hoạt động khởi nghiệp còn được thúc đẩy qua đoàn thanh niên, sở khoa học và công nghệ, hội doanh nhân trẻ... Nhà trường cần có tâm thế cộng hưởng, chia sẻ nguồn lực của mình và sử dụng chung nguồn lực từ các thành phần khác trong hệ sinh thái cho các hoạt động khởi nghiệp như sự kiện, cuộc thi, hội thảo...

6. Kết nối với cộng đồng doanh nghiệp địa phương:

Nhà trường cần xây dựng mối quan hệ kết nối với cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Các doanh nghiệp chính là đầu ra của nghiên cứu khoa học cũng như nguồn nhân lực có tâm thế khởi nghiệp. Nhà trường cần kết nối cộng đồng doanh nghiệp tại mọi cấp độ, không chỉ tập trung cho các doanh nghiệp lớn mà còn các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh... Cộng đồng doanh nghiệp có thể hỗ trợ rất tốt cho nhà trường trong hoạt động tư vấn, đào tạo chuyên môn bên cạnh việc hỗ trợ nguồn tài chính cho startup. Đào tạo KN-ĐMST đòi hỏi giảng viên trong nhà trường và doanh nhân ngoài xã hội cùng tiến hành thực hiện. Cộng đồng doanh nghiệp địa phương chính là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của KN-ĐMST.

* * *

Xây dựng hệ sinh thái KN-ĐMST tại trường đại học cũng như địa phương đòi hỏi tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo nhà trường. Các trường nên tập trung vào phát triển nội lực càng sớm càng tốt thông qua: (1) giảng viên và chuyên viên hỗ trợ KN-ĐMST, (2) thúc đẩy nghiên cứu khoa học và giảng viên tham gia khởi nghiệp, (3) xây dựng kết nối với cộng đồng doanh nghiệp. Ba cột trụ này sẽ giúp cho nhà trường tự chủ trong công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của mình dài hạn và bền vững.

(*) Chuyên gia chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Theo định nghĩa trên thế giới, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (HSTKN-ĐMST) bao gồm các cột trụ: hệ thống giáo dục và đào tạo, các tổ chức và đơn vị nghiên cứu, các nguồn vốn và quỹ đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp các dịch vụ, các tổ chức hỗ trợ và thúc đẩy, các tổ chức và đơn vị của nhà nước.

Vũ Tuấn Anh (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283925/xay-dung-he-sinh-thai-khoi-nghiep-trong-he-thong-giao-duc-.html