Xây dựng hệ thống bài tập thực tiễn trong giảng dạy Toán học

Đây là một giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường chất lượng dạy học môn Toán trong nhà trường.

Khai thác triệt để các bài tập có tính thực tiễn trong sách giáo khoa

Nội dung chương trình sách giáo khoa đã đưa khá nhiều các ví dụ, các bài tập có tính thực tiễn. Tuy nhiên giáo viên có tâm lý ngại ngần, ít hứng thú, thậm chí bỏ qua các bài toán thực tiễn này.

Hơn nữa, dạng toán có nội dung mang tính thực tế rất ít có khả năng ra đề kiểm tra, do đó, nếu giáo viên quá coi trọng thi cử hoặc sợ thiếu thời gian của tiết dạy thì thường không truyền tải nội dung của các bài tập này hoặc nếu có thì cũng chỉ giải xong bài toán đó mà không khai thác triệt để tính ứng dụng của nó trong thực tế.

Về phía học sinh, thường chỉ chú ý đến mặt toán học và xử lí tính toán trên các con số, đến những hình vẽ,… mà ít quan tâm đến tính thực tế, đến quá trình mô tả mối quan hệ dẫn tới những con số, hình vẽ …

Trong khi đó, những bài tập này, ngoài tầm quan trọng như để củng cố hoặc chuyển tải kiến thức, còn có thể phục vụ ngay việc học tập của các em là niềm hứng thú cho học sinh, tạo hiệu quả cao cho tiết dạy nếu giáo viên biết khai thác triệt để.

Sáng tạo từ các bài tập trong sách

Có thể thay bài tập trong sách giáo khoa bằng một bài tập có lời giải không đổi nhưng mang tính thực tế hoặc thay bài toán có nội dung thực tế này bằng bài toán có nội dung thực tế khác.

Có những bài tập nguyên bản của nó là nội dung thuần túy toán học nhưng nếu sửa đổi một chút thì có thể trở thành một nội dung gần gũi với cuộc sống chúng ta và vấn đề đó được các em quan tâm hơn. Sau đây là một vài ví dụ

Vận dụng các câu hỏi Pisa vào dạy từng bài cho phù hợp

Trong quá trình dạy học giáo viên cần giúp học sinh thấy được nhu cầu vận dụng toán học vào thực tế nói cách khác là giúp học sinh thấy được tầm quan trọng, tính hữu ích của Toán học trong cuộc sống hàng ngày.

Để làm được điều đó, bên cạnh những bài tập sách giáo khoa, giáo viên cần bổ sung thêm những tình huống, bài tập có nội dung thực tế vào chương trình giảng dạy.

Qua tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu về PISA, thấy rằng một đặc điểm nổi bật trong đánh giá của PISA là nội dung đánh giá được xác định dựa trên các kiến thức, kĩ năng cần thiết cho tương lai, không dựa vào các chương trình giáo dục quốc gia.

Đây chính là điều mà PISA gọi là “năng lực phổ thông”. Trong PISA, các tình huống được đưa ra để đánh giá năng lực này có liên quan mật thiết đến những vấn đề trong cuộc sống của cá nhân hàng ngày, những vấn đề của cộng đồng và toàn cầu.

Những kiến thức trong PISA được xây dựng bởi một đội ngũ chuyên gia hàng đầu về giáo dục nên đảm bảo tính hệ thống, tính khoa học, tính chính xác.

Kiến thức Toán học sử dụng trong PISA có nhiều điểm tương đồng với nội dung chương trình sách giáo khoa hiện đang sử dụng ở nước ta.

Nội dung các bài toán trong PISA đều đề cao tính ứng dụng của Toán học vào thực tiễn vừa giúp học sinh thấy được vai trò quan trọng của Toán học trong cuộc sống vừa hấp dẫn, kích thích được ham muốn tìm tòi, khám phá của các em.

Những bài tập trong PISA cho thấy nhiều mặt những ứng dụng của toán học trong cuộc sống có thể là nguồn cung cấp tư liệu hữu ích cho hoạt động học tập và giảng dạy.

Các câu hỏi phân ra nhiều mức độ giúp đánh giá đầy đủ được năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ, năng lực vận dụng toán học vào thực tiễn của HS.

Có thể vận dụng những bài toán của PISA vào rất nhiều khâu trong qua trình dạy học theo ba hướng sau: Sử dụng nguyên văn một số bài toán PISA vào dạy học;

Sử dụng một số bài toán sau khi có điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh đời sống xã hội và thực tiễn dạy học ở Việt Nam;

Đề xuất những bài toán tương tự hoặc sáng tác những bài toán mới có cách hỏi như các bài toán PISA dựa trên các tình huống, bài tập liên hệ thực tế đã có trong sách giáo khoa, bổ sung vào chương trình dạy học môn Toán ở nước ta.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/xay-dung-he-thong-bai-tap-thuc-tien-trong-giang-day-toan-hoc-2244558-v.html