Xây dựng huyện Tĩnh Gia trở thành thị xã công nghiệp

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đại hội Đảng bộ huyện Tĩnh Gia lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định chương trình phát triển đô thị là 1 trong 4 chương trình trọng tâm. Đối với Tĩnh Gia đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn về đêm. Ảnh: Hương Thơm

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn về đêm. Ảnh: Hương Thơm

Trong thời gian qua cùng với sự phát triển nhanh, bền vững của Khu Kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia từng bước được đầu tư, xây dựng để trở thành đô thị công nghiệp đồng bộ, hiện đại.

Để hiện thực mục tiêu phát triển đô thị, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng các kế hoạch trong lĩnh vực phát triển đô thị, như: Kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị huyện Tĩnh Gia, kế hoạch đầu tư công, quản lý quy hoạch trật tự xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng. Cùng với đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức lập các đồ án quy hoạch chung mở rộng Khu Kinh tế Nghi Sơn, quy hoạch các khu chức năng để phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn mang tầm chiến lược. Hàng năm, huyện tổ chức đánh giá kết quả đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội toàn huyện phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành sát đúng với thực tiễn phát triển của huyện. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn trong chỉ đạo thực hiện các dự án đồ án phát triển đô thị, cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách và các quy định pháp luật về đầu tư phát triển đô thị nói chung và kết cấu hạ tầng kỹ thuật nói riêng... Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn được đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn huyện Tĩnh Gia đạt khoảng 21.077,7 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước do huyện Tĩnh Gia đầu tư ước đạt 1.384,7 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đầu tư là 2.506 tỷ đồng; các nguồn vốn khác do doanh nghiệp đầu tư đăng ký là 17.187 tỷ đồng. Nhiều khu đô thị lớn trên địa bàn đã được đầu tư đưa vào hoạt động như: Khu chung cư thương mại cao cấp Anh Phát, khu dịch vụ phục vụ Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn...

Để trở thành thị xã công nghiệp, huyện Tĩnh Gia tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Theo đó, kinh tế - xã hội của huyện Tĩnh Gia những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều thành tựu vượt bậc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, hạ tầng cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống đường giao thông được nhựa hóa và bê tông hóa; những tuyến đường chính được đầu tư đồng bộ, hiện đại; tất cả các hộ gia đình đều được sử dụng điện lưới và cơ bản được sử dụng nước sạch; rác thải được thu gom và xử lý hợp vệ sinh. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tốc độ tăng giá trị sản xuất năm 2019 đạt 8,21% (không tính Khu Kinh tế Nghi Sơn); cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 20,7%; công nghiệp - xây dựng 59,7%; dịch vụ 19,6%. Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được hàng trăm dự án đầu tư trong nước và các dự án FDI. Dịch vụ - thương mại phát triển ngày càng đa dạng, hàng hóa phong phú với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại... cùng với hệ thống chợ truyền thống. Du lịch phát triển nhanh, bền vững với hệ thống di tích thắng cảnh độc đáo biển Hải Hòa, đảo Nghi Sơn, Hòn Mê... kết hợp với di tích đền thờ Đào Duy Từ, đền thờ Quang Trung, Quận Công Lê Đình Châu... đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động.

Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tĩnh Gia, ngày 23-9-2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 788/QĐ-BXD, công nhận huyện Tĩnh Gia đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đây là điều kiện quan trọng để huyện Tĩnh Gia xây dựng đề án thành lập thị xã báo cáo Chính phủ trình Ban Thường vụ Quốc hội nghị quyết công nhận trong năm 2020.

Tại đề án công nhận huyện Tĩnh Gia đạt tiêu chí đô thị loại IV, những mục tiêu và tầm nhìn về một thị xã đã được nêu rõ trên cơ sở phân tích, tính toán khoa học của các cơ quan chuyên môn. Với trọng tâm là xây dựng đô thị xanh, không gian công cộng hướng tới sự phát triển hài hòa. Mặt khác, Khu Kinh tế Nghi Sơn sẽ là đầu tàu kinh tế nằm trong thị xã, trở thành động lực phát triển chung cho cả khu vực. Theo đó, Tĩnh Gia sẽ thành lập thị xã với tên gọi là Nghi Sơn để thể hiện tiềm năng, lợi thế, động lực phát triển của huyện gắn với sự phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn; trở thành một đô thị động lực, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, khai thác cảng biển, dịch vụ, du lịch, đồng bộ và hiện đại; hướng tới đô thị thông minh – xanh - bền vững; đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao thương trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với những tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.

Với mục tiêu chung là xây dựng một thị xã công nghiệp phát triển năng động, nhanh và bền vững, thị xã Nghi Sơn sẽ nằm trong trọng điểm phía Nam của vùng kinh tế Bắc bộ. Theo định hướng giai đoạn đến năm 2035 sẽ thành lập “Thành phố công nghiệp xanh”, hướng tới đô thị thông minh, trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây cũng được kỳ vọng là trung tâm thu hút đầu tư và trung chuyển hàng hóa của vùng và khu vực, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Để xây dựng Tĩnh Gia xứng tầm thị xã công nghiệp như kỳ vọng, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân; phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành với MTTQ và toàn thể nhân dân nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đô thị; tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư. Công bố các quy hoạch đô thị, quy hoạch Khu Kinh tế Nghi Sơn trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút đầu tư và nhân dân giám sát, thực hiện. Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và của nhà đầu tư để đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất; đấu giá đất để tăng thu ngân sách và phát triển đô thị. Huy động thu hút các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn WB hỗ trợ phát triển đô thị để đầu tư các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường, phúc lợi công cộng...

Với tiềm năng và lợi thế rất lớn, với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tĩnh Gia, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp đỡ có hiệu quả của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Tĩnh Gia sẽ trở thành một đô thị lớn - thị xã Nghi Sơn trong năm 2020.

Nguyễn Tiến Dũng

Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xay-dung-huyen-tinh-gia-tro-thanh-thi-xa-cong-nghiep/113500.htm