Xây dựng kế hoạch dạy và học phát triển năng lực học sinh

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi sáng tạo mô hình cây học tập ngay tại lớp học. Ảnh: MẠNH THÚY

Đó là yêu cầu của Sở GD-ĐT đối với các trường học trên địa bàn tỉnh về việc xây dựng kế hoạch giáo dục bộ môn năm học 2020-2021.

Theo đó, lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo các tổ/nhóm bộ môn xây dựng kế hoạch giáo dục 10 bộ môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân theo Công văn 3280/BGDĐT- GDTrH, ngày 27/8/2020 của Bộ GD-ĐT về việc Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT. Các môn còn lại dựa theo hướng dẫn hiện hành để xây dựng kế hoạch giáo dục bộ môn theo hướng dạy học năng lực, dạy học chủ đề.

Để phát triển năng lực học sinh, tổ bộ môn các trường xây dựng kế hoạch dạy học (giáo án) cho từng bài học/chủ đề bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, cách thức thực hiện và sản phẩm cụ thể để giao cho học sinh thực hiện trong lớp học, ngoài giờ học, ở trường, ở nhà… Tăng cường giao cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo để các em dễ dàng tiếp nhận và vận dụng kiến thức.

Để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, kiểm tra đánh giá, kế hoạch dạy học của giáo viên được soạn thảo trên giấy hoặc bằng máy tính. Khi lên lớp, giáo viên có thể sử dụng trực tiếp các phương tiện, thiết bị hiện đại cho phép xem, trình chiếu trực tiếp (máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy tính bảng…). Khi được yêu cầu kiểm tra, giáo viên có thể giới thiệu trực tiếp trên thiết bị hoặc chuyển file kế hoạch dạy học đến người kiểm tra.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/245808/xay-dung-ke-hoach-day-va-hoc-phat-trien-nang-luc-hoc-sinh.html