Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở Thanh Hóa theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc – đại đoàn kết toàn dân, coi đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng nước ta.

Bác Hồ về thăm HTX Yên Trường tháng 12 -1961. Ảnh: tư liệu

Bởi như Người từng khẳng đinh,“Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”[1]. Chính vì vậy, trong những lần về thăm Thanh Hóa, Người cũng đã nhiều lần dặn dò Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh Hóa phải quan tâm xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc – đại đoàn kết toàn dân, xem đó là phương pháp đấu tranh cách mạng và xây dựng tỉnh nhà.

Khi về thăm Thanh Hóa lần thứ nhất (1947), trong Bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Ta thử xem kinh nghiệm lúc xưa, tổ tiên ta, đức Lê Lợi, Hưng Đạo trong cuộc chiến đấu nhiều trận thắng, cũng nhiều trận bại, nhưng rồi ta vẫn thắng, vì kiên gan và có sức đoàn kết”[2]. Từ đó, trong yêu cầu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu thì về chính trị, Người đặt ra yêu cầu trước hết là phải đoàn kết. Trong lần về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (1957), trong bài nói chuyện với các đại biểu nhân dân Thanh Hóa, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh về vai trò của đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta: “Theo kinh nghiệm mấy năm nay bất kỳ khó khăn gì, bất kỳ công việc to mấy ta đoàn kết đều làm được hết cả…”[3].

Bác Hồ nói chuyện với các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa ngày 13-6-1957. Ảnh: tư liệu

Khi đề cập đến lực lượng trong khối đại đoàn kết dân tộc, Người đã căn dặn đồng bào Thanh Hóa phải: “Đoàn kết, phải đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc Kinh và thiểu số, đoàn kết Nam - Bắc, đoàn kết quân dân, đoàn kết Việt – Hoa”[4]. Đồng thời, trong những bài nói, bài viết với Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa, Người cũng nhiều lần đề cập đến nguyên tắc và phương pháp thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, Người nhấn mạnh đến việc phải biết “cầu đồng, tồn dị”, lấy việc thống nhất lợi ích tối cao của dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết; phải đoàn kết lâu dài, chặt chẽ, đoàn kết thật sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Trong thư gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa (1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa nhắn gửi lời khen ngợi, nhưng đồng thời cũng là lời căn dặn các vị lang đạo và toàn thể đồng bào thượng du Thanh Hóa về tinh thần đoàn kết vì lợi ích tối cao của dân tộc: “Lúc này toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào Thượng du đều ra sức đoàn kết chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất độc lập của Tổ quốc. Việc dìu dắt đồng bào Thượng du, tôi trông cậy lòng ái quốc và sự hăng hái của các vị lang đạo”[5]. Trong bài nói chuyện với các đại biểu, thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa vào ngày 20-2-1947, Người cũng nhấn mạnh: “Ngày xưa có những sự xích mích phe phái, nhưng ngày nay Tổ quốc lâm nguy mà chia rẽ thì bất lợi. Ta có cái thù chung là bọn cướp nước thì dù có cái thù hiềm riêng cũng phải bỏ hết. Bỏ thù riêng để trả thù chung, đó là giành thắng lợi”[6]. Tinh thần đoàn kết chân thành, thân ái giúp nhau cùng tiến bộ cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập rất rõ khi kêu gọi đồng bào Thanh Hóa nêu cao tinh thần ái quốc tương thân, tương ái giúp đồng bào tản cư vào Thanh Hóa trong thời kỳ Thanh Hóa là hậu phương của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,…

Bác Hồ với các cháu Trường Mầm non thị xã Thanh Hóa năm 1961. Ảnh: tư liệu

Khắc ghi những lời căn dặn của Bác, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã và đang kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đã góp phần to lớn tạo nên sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Ðặc biệt, các phong trào, cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư... có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; đan xen cả thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đối với sự nghiệp đổi mới nói chung và đường lối xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng. Nhất là ở vùng miền núi Thanh Hóa, dân cư phần lớn là dân tộc thiểu số (chiếm 58%), trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội còn thấp và không đồng đều, kẻ địch dễ lợi dụng và kích động để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội và toàn thể nhân dân Thanh Hóa phải tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, nhất là những lời căn dặn của Người đối với Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa để thực hiện tốt những quan điểm của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong tình hình hiện nay, trong đó cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đó là:

Thứ nhất, phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh - hạt nhân chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là sự nghiệp của hệ thống chính trị, nhưng trong đó, sự lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quan trọng hàng. Vì vậy, để không ngừng mở rộng, tằng cường khối đoàn kết toàn dân ở Thanh Hóa hiện nay thì trước hết phải xây dựng các tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh để làm hạt nhân lãnh đạo xây dựng khối đoàn kết ở các địa phương, đơn vị. Trong đó, các cấp ủy đảng phải đặc biệt chú trọng việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác vận động quần chúng, công tác dân tộc và tôn giáo; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng đội ngũ đảng viên thực sự có chất lượng, gương mẫu và uy tín trong nhân dân,...

Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân

Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân

Để chính quyền thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân và trong thực hiện đại đoàn kết toàn dân đòi hỏi trước hết chính quyền phải không ngừng nâng cao năng lực quản lý điều hành trong phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Bởi vì, theo tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng cho thấy rất rõ rằng, nguyên tắc thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc là phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của cách mạng. Đặc biệt, với đặc thù dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ở vùng miền núi đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, để tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì giải pháp kinh tế được xem là giải pháp có tầm quan trọng đặc biệt. Chỉ có sự phát triển kinh tế ở Thanh Hóa mới có thể giúp đồng bào các dân tộc thiểu số có cuộc sống hàng ngày no đủ, thoát khỏi nghèo đói. Vì vậy, đòi hỏi trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, mà trước hết là các cấp chính quyền cần phải thực sự đóng vai trò quan trọng trong thực hiện 1 trong 5 chương trình trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra là “Giảm nghèo nhanh và bền vững” để không ngừng nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân, tạo niềm tin trong nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, từ đó góp phần tạo nên sự đồng thuận để toàn dân đoàn kết xây dựng quê hương.

Nghi Sơn về đêm.

Thứ ba, mở rộng và đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân

Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động ngoại giao nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở Thanh Hóa hiện nay thì một trong những nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng là tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tập hợp đông đảo đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Phù hợp với cách thức tổ chức có “tính mở” của mình, Mặt trận có thể tập hợp nhân dân bằng các hình thức đa dạng, phong phú, như tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc và tham gia trực tiếp các cuộc vận động, phong trào kinh tế, xã hội, văn hóa; phát huy tính tích cực của cá nhân tiêu biểu trong các giai tầng xã hội, dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền, vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tôn trọng pháp luật nước sở tại; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc;... Cấp ủy, chính quyền các cấp bảo đảm các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc ở cơ sở;...

Thứ tư, phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm công dân; tạo sự đồng thuận trong xã hội

Thực tiễn cách mạng trên phạm vi cả nước nói chung, trên địa bàn Thanh Hóa nói riêng cho thấy, để phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong thời kỳ hiện nay, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cần phải thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc”, tiếp tục thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo không khí dân chủ để nhân dân tích cực tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội nhằm tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận xã hội. Phát huy dân chủ, nhưng phải gắn với giữ vững kỷ cương, pháp luật, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật và quyền làm chủ của nhân dân, gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, phải tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, trách nhiệm công dân, đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng sự đồng thuận xã hội và đề cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ năm, đảm bảo chính sách dân tộc

Thanh Hóa là một địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó vùng núi Thanh Hóa là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đặc biệt đến vùng núi và chính sách dân tộc ở Thanh Hóa. Thấm nhuần quan điểm của Đảng và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng, chính quyền Thanh Hóa luôn quan tâm thực hiện chính sách dân tộc, coi đây vừa là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, vừa phải tập trung đầu tư thường xuyên, cấp bách. Do đó, ngoài các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng dân tộc miền núi sách dân tộc của Trung ương, Thanh Hóa còn ban hành một số nghị quyết, chính sách để phát triển KT-XH cho vùng dân tộc miền núi thông qua các chương trình cụ thể. Từ đó đã góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, hiện tại vùng miền núi, dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn; nhiều vấn đề đang đặt ra như: tình hình di cư tự do đồng bào dân tộc Mông vẫn xảy ra ở huyện Mường Lát; khu vực miền núi xảy ra lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân; nguồn vốn thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc như chương trình 135, dự án định cư… còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, nhất là vùng miền núi nghèo, đời sống cư dân dân tộc thiểu số nghèo. Trong đó, chú trọng vận động đồng bào dân tộc thiểu số, giám sát thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển miền núi, như Chương trình 134, 135, 30a…; phát huy tinh thần chịu thương chịu khó, hăng say lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Một góc TP Thanh Hóa hôm nay.

Có thể nói, vinh dự và tự hào là một trong những địa phương được nhiều lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, làm việc và nhận được những lời căn dặn, những sự chỉ đạo trực tiếp của Người, trong các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tạo nên được nhiều phong trào tiêu biểu, tạo sự lan tỏa trong cả nước. Hiện nay, mặc dù tình hình thế giới, trong nước bên cạnh những thời cơ, cũng đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức đối với Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tuy nhiên, tin tưởng rằng, nếu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được phát huy thì Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa sẽ sớm đạt được mục tiêu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và sẽ trở thành một tỉnh kiểu mẫu như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

--------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t3, tr.256

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr73

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t10, tr602

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t10, tr602

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr78

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t5, tr74

Th.s Lê Ái Bình

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/xay-dung-khoi-doan-ket-toan-dan-o-thanh-hoa-theo-loi-can-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh/118280.htm