Xây dựng 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh' ở TP Hồ Chí Minh: Trọng trách của ngành mỹ thuật

'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh' là nơi phục dựng cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương một lòng vì nước vì dân của vị lãnh tụ vĩ đại. Với thành phố mang tên Bác, 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh' càng có ý nghĩa thiết thực hơn bao giờ hết để mỗi người dân, mỗi du khách tìm hiểu và noi theo tấm gương sáng của Người.

Để tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi và trở thành nguồn sức mạnh của người dân thành phố mang tên Bác, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đã đưa ra Nghị quyết "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh".

Cụ thể, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI xác định: "Thông qua xây dựng thành phố thành "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống, đặc trưng văn hóa của nhân dân thành phố. "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" được xây dựng là sự đáp ứng nhu cầu của đời sống tinh thần và tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân đã sống, lao động và chiến đấu trên mảnh đất thân yêu này". Việc xây dựng không gian này sẽ góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh và hiện đại.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1.

Ngành mỹ thuật được coi là cánh chim đầu đàn trong nhiệm vụ lớn lao này. Trong đó, mỹ thuật công cộng có vai trò đầu tàu. Bởi mỹ thuật công cộng là sản phẩm văn hóa đặc trưng của mỗi đô thị, mang bản sắc đậm nét về xứ sở, con người, tạo ấn tượng sâu sắc khó quên với du khách gần xa. Tại Hội thảo "Mỹ thuật trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh" diễn ra vào cuối tháng 2 mới đây, các nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư… cùng bàn luận và đưa ra nhiều định hướng, giải pháp để xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" đúng nghĩa tại thành phố sôi động bậc nhất cả nước.

Theo đánh giá của PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Trưởng Khoa Design, Đại học Công nghệ Sài Gòn, hiện nay bộ mặt của TP Hồ Chí Minh về cảnh quan kiến trúc và môi trường mỹ thuật đô thị rất đa dạng với nhiều loại khuynh hướng và phong cách khác nhau. Tuy nhiên, không có phong cách nào là chủ đạo. Tất cả đều tùy thuộc vào quyết định của chủ đầu tư đến từ nhiều nguồn, nhiều trình độ khác nhau. Điều đáng nói là hầu như trong nhóm chủ đầu tư này rất ít người quan tâm đến lịch sử - văn hóa Việt Nam, trong đó có các giá trị di sản. Tại những công viên lớn như Lê Thị Riêng, 23 tháng 9, Tao Đàn, Hoàng Văn Thụ… đều không có những công trình nghệ thuật công cộng đúng nghĩa.

Có thể thấy TP Hồ Chí Minh khá rộng với không gian công cộng đa dạng và rải đều khắp các quận huyện nhưng đến nay vẫn chưa xuất hiện nhiều không gian dành cho mỹ thuật công cộng. Trong đó, không gian tôn vinh, điểm nhấn mang đậm tư tưởng và văn hóa cốt lõi của "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" lại càng ít ỏi. Đáng lẽ khi không gian công cộng ngày càng trở nên chật hẹp, ồn ào và vô cảm với con người thì TP Hồ Chí Minh phải hiện ra với nét đặc thù theo tên gọi của chính mình. Đáng tiếc, điều đó lại dần khuất mờ giữa các hoạt động hối hả thường nhật.

Thành phố hiện chỉ có ba địa điểm nổi tiếng là Bến Nhà Rồng (hay còn gọi là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) với hơn 10 nghìn tư liệu, hiện vật về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ. Địa điểm thứ hai là tượng đài Hồ Chí Minh trên quảng trường phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây là điểm mà rất đông du khách trong và ngoài nước đến đặt hoa và chụp ảnh lưu niệm mỗi khi ghé thăm Hòn ngọc Viễn Đông. Cuối cùng là căn nhà số 5 Châu Văn Liêm, quận 5, nơi Bác lưu trú trước khi ra đi tìm đường cứu nước.

Ngoài những cơ sở trên, TP Hồ Chí Minh chưa có "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" mang điểm nhấn và đặc trưng rõ nét. Nhiều chuyên gia cho rằng ngoài Bến Nhà Rồng nằm ở vị trí gắn liền lịch sử, nếu muốn đến thăm, tìm hiểu những nơi Bác từng dừng chân hay những không gian văn hóa gắn liền với Bác thì đều rất khó tìm, nếu không muốn nói là rất hiếm. Vì vậy, việc xây dựng thêm những "không gian văn hóa Hồ Chí Minh" ở địa bàn thành phố càng trở nên bức thiết. Công trình đó không chỉ thu hút người dân mà phải hấp dẫn cả những người trẻ.

Họa sĩ Uyên Huy cho hay nhiều năm qua có người nghĩ đơn giản rằng nơi nào có tượng hay ảnh chân dung Bác Hồ thì đấy là "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh". Do đó vô tình hình thành quan niệm hời hợt, duy hình thức, nặng về tuyên truyền chính trị mà bỏ quên cái hồn và xác của công trình một cách khô cứng, chưa tạo thành một di sản văn hóa và di tích văn hóa tâm linh đích thực.

Ông phân tích: "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải được coi là một công trình kiến trúc, một tác phẩm mỹ thuật với đầy đủ ý nghĩa, nét riêng. Và hy vọng sau khi hoàn thành công trình này, nó phải trở thành một di sản văn hóa của dân tộc, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong thời đại Hồ Chí Minh. Như vậy không gian này phải được coi là không gian văn hóa tâm linh của người Việt chứ không phải không gian giải trí hay không gian thương mại thông thường. Xác định như vậy để tuyệt đối tránh lai tạp hay mơ hồ trong nhận thức lịch sử, sự lung linh trong hình thức lẫn phong cách thể hiện. Tất cả hình thái kiến trúc xây dựng, trang trí không gian văn hóa này phải tuyệt đối lưu ý đến đặc điểm về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là sự bình dị, trang nhã, cần kiệm, yêu nước thương dân. Chúng ta không nên sa đà vào sự phô trương, xa hoa khi xây dựng mà nên ưu tiên các chất liệu giản dị, mang dấu ấn Việt như gỗ, tre, đá…".

Bến Nhà Rồng là một trong những điểm đến ưa thích của du khách muốn tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp Bác Hồ khi đến TP Hồ Chí Minh.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Trần Minh Đức cho rằng tác phẩm trong "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" không chỉ là một bức tượng hay một số tác phẩm văn học nghệ thuật về Bác, mà tổng hợp nhiều thành tố với bút pháp "Gợi và Tả", toát lên tinh thần văn hóa Bác Hồ. Tùy thuộc bối cảnh khác nhau, các tác phẩm có thể là tranh, bích họa, phù điêu, điêu khắc, chữ nổi hay graffiti. Mở rộng không gian công cộng đường phố, ven sông, kênh, cổng chào, đài phun nước, nút giao thông khai thác bối cảnh kết hợp ẩn dụ văn hóa Hồ Chí Minh sẽ mang lại diện mạo mới và hấp dẫn hơn với du khách lẫn người dân.

Với Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội cho rằng, trước hết Hội cần tổ chức nhiều cuộc tọa đàm để hội viên hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích của tiến trình xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh". Thực tế, không ít nghệ sĩ vẫn còn mơ hồ về khái niệm mới mẻ mà thiết thực này. Phải hiểu rõ, nắm vững, họ mới có thể tạo nên những tác phẩm mang bản sắc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Khi tác phẩm hoàn thành, Hội phải tăng cường công tác quảng bá bằng các triển lãm thực tế lẫn triển lãm online để đưa tác phẩm tiếp cận nhanh chóng đến công chúng. Việc xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên môi trường số cũng là điều mà các nghệ sĩ lưu tâm để lan tỏa đến mọi tầng lớp công chúng.

Ngoài sự nỗ lực của giới mỹ thuật, người trong nghề cũng mong mỏi chính quyền thành phố sẽ sớm có bản quy hoạch tổng thể cũng như chi tiết các công trình, tác phẩm mỹ thuật trong "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh". Bản quy hoạch đó cần cái bắt tay chặt chẽ của ngành mỹ thuật, giới kiến trúc, nghệ sĩ thị giác và các bên có liên quan để "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trở thành điểm nhấn mỹ thuật đặc biệt của đô thị, gây ấn tượng sâu sắc với du khách ngay lần đầu ghé thăm. Bởi không gì để "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" phát huy hiệu quả nhanh nhất, tốt nhất bằng cách gắn việc xây dựng không gian ấy với định hướng phát triển du lịch, mời gọi bạn bè năm châu ghé thăm và trầm trồ nghiêng mình.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/xay-dung-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-o-tp-ho-chi-minh-trong-trach-cua-nganh-my-thuat-i685378/