Xây dựng khu công nghiệp phát triển bền vững: nhiều điểm nghẽn

Có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp (KCN) phát triển bền vững; 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trương.

Đây là thông tin được chia sẻ tại Diễn đàn Thúc đẩy phát triển vền vững KCN Việt Nam, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào ngày 28/3.

Doanh nghiệp mơ hồ về khái niệm KCN phát triển bền vững

Theo thống kê, cả nước đã có 418 KCN đã thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Trong số các KCN đã được thành lập, có 298 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63,1 nghìn ha và 120 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 26,1 nghìn ha.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh phát biểu tại diễn đàn.

Các doanh nghiệp trong KCN đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách. Hệ thống KCN, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đến nay Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) và 3 FTA đang đàm phán. Trong các FTA này, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính. Đồng thời, mục tiêu để phát triển công nghiệp bền vững cũng đã được đưa vào các cam kết về phát triển bền vững của LHQ.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh, qua khảo sát, nhận thức về KCN phát triển bền vững (PTBV) còn yếu. Kết quả phỏng vấn sâu cho biết có tới 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN PTBV, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và 20% hiểu rõ KCN PTBV cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG. Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

Kết quả của nghiên cứu cũng phần nào chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc phát triển bền vững. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các KCN bền vững tại Việt Nam.

Quang cảnh diễn đàn.

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp cho rằng để đạt được yêu cầu của KCN bền vững vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ như vấn đề nguồn vốn, tài chính và làm rõ các định quy định pháp lý. Các KCN phần lớn được phát triển theo giai đoạn “cuốn chiếu”, việc đầu tư một cách đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ ban đầu.

Tiếp đó là đến từ năng lực cũng như các quy định pháp lý của Nhà nước, hiện nay rất nhiều quy định chưa rõ ràng, gây cản trở cho các KCN trong việc chuyển đổi mô hình như về tái tạo tài nguyên, xử lý nước thải.

Xu hướng phát triển tất yếu

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ Trần Thị Tố Loan cho rằng, việc xây dựng KCN bền vững mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về môi trường và xã hội. Cụ thể là giảm tác động môi trường; tiết kiệm năng lượng và nguồn lực; tăng cường đổi mới và sự hợp tác; nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu tại thời điểm hiện tại, đồng thời giảm các rủi ro và pháp lý có thể trong tương lai; tạo ra môi trường làm việc tốt hơn trong KCN cũng như mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng...

Theo bà Loan, để đạt được yêu cầu của KCN bền vững, chúng ta cần có các cam kết mạnh mẽ hơn và có kế hoạch hành động để đẩy mạnh các cam kết này. Bên cạnh đó các quy định pháp lý của nhà nước cũng cần sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện cho các khu công nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình...

Từ góc độ địa phương quản lý các KCN trên địa bàn, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh Lê Hữu Phúc cho biết, thể chế chính sách liên quan tới KCN, khu kinh tế (KKT) cần được xây dựng ở ngưỡng cao hơn. Bởi hiện nay mới ở mức Nghị định, do đó, cần ban hành Luật về KCN, KKT để tạo hành lang pháp lý. Toàn bộ quy trình quy hoạch KCN, KKT hiện rải rác ở các Luật chuyên ngành, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Chúng ta cần nghiên cứu các cơ chế chính sách tạo động lực phát triển hơn cho các KCN, KKT” - ông Phúc nhận định.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT Vương Thị Minh Hiếu chia sẻ, trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình khu công nghiệp mới theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định mô hình khu kinh tế có nhiều chức năng bao gồm cả khu công nghiệp. Do đó, việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống KCN, KKT có những đóng góp tích cực và đáng kể vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ nỗ lực để phát triển các mô hình KCN mới theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trên cơ sở thể chế hóa mô hình này tại các văn bản pháp quy.

“Về cơ chế hỗ trợ, chúng tôi nhấn mạnh vai trò của UBND các tỉnh trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào KCN, để hỗ trợ việc kết nối và thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái, cũng như chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong KCN” - bà Hiếu nhấn mạnh.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-khu-cong-nghiep-phat-trien-ben-vung-nhieu-diem-nghen.html