Xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt: Liệu có khả thi?

Theo chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt vào thời điểm này là chưa phù hợp.

Sẽ xem xét, tổ chức đường ưu tiên cho xe buýt thường

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020 với mục tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng chiếm 20-25% (trong đó đường sắt đô thị từ 1-3%).

Theo đó, để thực hiện được kế hoạch trên, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu và tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên nhiều tuyến đường của Thủ đô.

Ngoài trục Nguyễn Trãi - Trần Phú, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) dài 5km, các tuyến đường dự kiến tách làn riêng cho xe buýt gồm: tuyến Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt 4,7km; tuyến Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9km; tuyến Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm 9,6km.

TP Hà Nội sẽ nghiên cứu và tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên nhiều tuyến đường của Thủ đô.

Tại đây, nhiều giải pháp khác cũng được TP Hà Nội nghiên cứu như: thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030...

Đồng thời, Hà Nội tiếp tục mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới xe buýt tới ngoại thành, trung tâm phát sinh nhu cầu (đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí...). Dự kiến số tuyến buýt mở mới đến năm 2020 khoảng 46-51, trong đó năm 2019 mở mới 21 tuyến, năm 2020 mở 25-30 tuyến.

Kế hoạch thiếu khả thi?

Ngay sau khi kế hoạch xây dựng làn đường ưu tiên cho xe buýt được công bố đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người dân Thủ đô. Một bộ phận người dân tỏ ra tán thành với phương án của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, họ cho rằng giải pháp này sẽ giúp tình trạng ùn tắc giao thông được giải quyết. Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng việc mở làn riêng cho xe buýt tại tuyến đường trên thiếu tính khả thi, sẽ làm gia tăng tình trạng kẹt xe.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên TP Hà Nội áp dụng làn đường ưu tiên cho xe buýt thường. Năm 2008, làn đường đầu tiên dành cho xe buýt ở Hà Nội được khai trương trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng). Tuy nhiên sau đó để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, làn đường dành riêng cho xe buýt bị xóa bỏ.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chiều 20/9, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội).

Tiến sĩ Thủy cho biết: "Theo cá nhân tôi, trước tiên chúng ta phải nhớ bài học từ mô hình xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, chúng ta chưa thể ưu tiên quá cho xe buýt trong khi loại hình này hoạt động hiệu quả còn thấp. Việc sử dụng làn đường ưu tiên cho xe buýt như các nước trên thế giới là cần thiết nhưng không phải tại thời điểm hiện tại. Việc mở làn riêng dành cho xe buýt cần có sự tính toán kỹ lưỡng trước khi áp dụng vào thực tế".

Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt vào thời điểm này là chưa phù hợp.

Tiến sĩ Thủy phân tích, cơ sở hạ tầng của Hà Nội hiện còn nhiều điểm hạn chế, có khoảng gần 60% mặt đường cắt của đường giao thông ở nước ta là 7-11m. Chính vì thế, chúng ta không thể áp dụng việc dành đường cho xe buýt riêng.

Hơn nữa, tổ chức giao thông trên hầu hết các tuyến phố của Thủ đô hiện nay theo hình thức hỗn hợp, xe máy đi chung làn với ô tô, xe buýt. Nếu chúng ta không tính toán kỹ phương án thực hiện thì rất có thể tình trạng ùn tắc giao thông sẽ trở nên phức tạp hơn".

Cũng theo Tiến sĩ Thủy, hệ thống phương tiện giao thông công cộng ở nước ta hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Ở các quốc gia khác trên thế giới, sở dĩ họ có thể áp dụng thành công mô hình làn đường ưu tiên cho xe buýt bởi lẽ hệ thống giao thông công cộng của họ rất phát triển, gồm hệ thống giao thông mặt đất, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao,... trong khi phương tiện giao thông công cộng ở nước ta chỉ chiếm từ 8 - 10%.

Một yếu tố khác là do ý thức người dân, hạ tầng giao thông tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành chưa theo kịp với sự phát triển của vận tải. Điển hình là thực trạng người dân lấn làn xe buýt BRT mặc dù xe buýt nhanh BRT được dành một lối đi riêng khiến việc ùn tắc giao thông chưa được khắc phục.

Theo chuyên gia Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc nghiên cứu để cải thiện chất lượng dịch vụ, rút ngắn thời gian của xe buýt là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có những tính toán cụ thể, kỹ lưỡng thì có thể nó sẽ gây ra hiệu ứng ngược, giống như mô hình xe buýt nhanh mà chúng ta từng gặp phải. Xây dựng tuyến đường dành riêng cho xe buýt tại thời điểm hiện tại là không hợp lý.

Nguyễn Lâm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xay-dung-lan-duong-uu-tien-cho-xe-buyt-lieu-co-kha-thi-a449813.html