Xây dựng lòng trung thực trong nhà trường

Lòng trung thực cần được chú trọng và xây dựng trong các trường học. Để như vậy, thầy cô, phụ huynh và cả người đứng đầu trường học phải là tấm gương để học sinh (HS) noi theo.

Nhặt của rơi trả người đánh mất

Thời gian qua, nhiều sự việc của giáo viên hay những người công tác trong ngành giáo dục đã làm dư luận mất niềm tin. Đó là tình trạng bằng cấp giả, ngồi nhầm lớp, tiêu cực trong thi cử… Sự tồn tại của hiện tượng này vừa gây mất niềm tin, vừa tạo đà cho sự xuống cấp của chất lượng giáo dục. Vấn đề trung thực trong học tập, thi cử và cuộc sống đã trở thành vấn đề chung của cả cộng đồng.

Tuy nhiên, việc làm nhỏ nhưng khơi gợi nhiều suy nghĩ về lòng trung thực từ các em HS Hà Nội đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Mới đây, Đỗ Hồng Ngọc và Trần Thị Minh Thư - HS lớp 6A3, trường THCS Gia Thụy (quận Long Biên, Hà Nội), trên đường đi học đã phát hiện một chiếc ví bị rơi ngay cổng trường Tiểu học Gia Thụy. Lúc này, 2 em đã mang chiếc ví đến Công an phường Gia Thụy giao nộp.

Sau đó, công an xác minh bên trong ví có nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng và số tiền 20 triệu đồng của anh P.V.T (cư trú tại tổ dân phố 15, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) nên đã liên hệ để trao trả lại.

Ghi nhận hành động đẹp của Đỗ Hồng Ngọc và Trần Thị Minh Thư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2019 đối với 2 HS vì đã có việc làm tốt (nhặt được của rơi, trả người đánh mất), đồng thời Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Long Biên đã tặng Giấy khen, biểu dương hành động đẹp, việc làm tốt này. Từ đây, những câu chuyện về lòng trung thực được nhắc đến nhiều hơn trong trường THCS Gia Thụy.

Em Đỗ Hồng Ngọc cho biết, bố mẹ luôn dạy em những gì không thuộc về mình thì trả lại cho người bị mất. Em thấy số tiền 20 triệu đồng rất lớn và người đó chắc hẳn buồn khi bị mất nên chúng em đã báo công an để trả lại. Được biết, trường THCS Gia Thụy thường xuyên biểu dương những HS có việc làm tốt nên dường như đó trở thành hành động thường xuyên của HS.

Cũng tại quận Long Biên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trao Giấy khen biểu dương hành động đẹp, việc làm tốt của 3 HS trường THCS Bồ Đề nhặt được của rơi trả lại người đánh mất. Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng lập danh sách, đề xuất UBND TP Hà Nội biểu dương gương người tốt, việc tốt đối với các em.

Cụ thể, trên đường từ trường về nhà, khi đi đến ngõ 78 phường Bồ Đề, 3 em: Tăng Vũ Hà Linh, Nguyễn Bảo Ngọc và Hà Ngọc Ánh nhìn thấy bên mép đường một cọc tiền 50 triệu đồng. Không một chút đắn đo, các em đã quyết định mang đến nộp cho Công an phường Bồ Đề. Qua xác minh từ camera khu vực, số tiền trên đã được Công an phường Bồ Đề trao trả lại cho anh Vương Quốc Tùng, 34 tuổi, ở phố Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.

Những hành động đẹp này là khẩu hiệu xuất hiện trong các bài giảng, ở lớp học, sân trường và trở thành việc làm ý nghĩa mà mỗi HS đều thực hiện.

Hồi chuông cảnh báo

Về chủ đề này, nhiều người lại chạnh lòng khi nhắc đến tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia 2006 và 2018. Năm 2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa công khai đoạn clip ghi lại cảnh tiêu cực trong kỳ thi THPT năm 2006 tại trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Năm 2018, sai phạm trong công tác tổ chức, chấm thi ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 khi hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã làm “nóng” dư luận.

Nếu như câu chuyện về lòng trung thực đang là niềm vui tại trường THCS Gia Thụy và THCS Bồ Đề thì khi nhắc đến chủ đề này, Nguyễn Đức Anh (Hòa Bình) không khỏi buồn. Đức Anh tâm sự: “Năm đầu học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, mình luôn bị các bạn cùng trường nhìn với ánh mắt kỳ thị, nghi vấn. Nhưng sau đó, mình đã khẳng định bằng năng lực thực thụ của bản thân để các bạn có cái nhìn thiện cảm hơn”.

Xã hội âu lo, mất niềm tin vào tính công bằng, trung thực ở một kỳ thi mà dư luận luôn đặt câu hỏi có nên tồn tại hay không? Và chỉ khi nào HS được giáo dục rằng trung thực với bản thân, với những vấn đề khác trong cuộc sống là một trong những đức tính quan trọng, bắt buộc phải có thì may ra họ mới không có những hành động “phản” giáo dục. Hy vọng từ sự đổi mới sẽ làm thay đổi dần quan niệm của những người làm giáo dục để hạn chế tiêu cực trong thi cử.

Cố GS Hoàng Tụy từng nói: "Một nền giáo dục lành mạnh trước hết hãy khoan dạy những cái cao siêu, mà nên tập trung dạy HS sống lương thiện và trung thực". Ông đề nghị cần có một cuộc vận động lớn nêu cao tính trung thực trong toàn ngành giáo dục.

Có thể thấy, có làm và làm được điều gốc rễ trung thực thì xã hội mới hy vọng thế hệ tương lai của đất nước hấp thụ được một nền giáo dục làm người, trở thành người tốt. Từ đó sự thiện lương, trung thực mới có thể dẫn dắt một dân tộc đi đúng hướng tốt lành hơn.

Lưu Ly

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xay-dung-long-trung-thuc-trong-nha-truong-361877.html