Xây dựng Luật bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt

Hiện nay, Việt Nam chưa có một văn bản luật chuyên biệt và toàn diện để cung cấp một nền tảng vững chắc cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng biệt và khác biệt.

Ngày 27/4, tại Vĩnh Phúc, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội thảo “Đề án xây dựng Luật bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt”.

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC và Tiến sĩ Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC chủ trì Hội thảo.

Về phía đại diện quốc tế có bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam. Bà Shelley Casey, Chuyên gia Unicef Việt Nam tại Autralia tham dự trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, người chưa thành niên. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động của Tòa án, đặc biệt là qua công tác giám sát tối cao của Quốc hội cho thấy tình trạng xâm hại trẻ em, số vụ án ly hôn, cũng như tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy và các chất kích thích khác... diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều này đe dọa trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của trẻ em, đồng thời đe dọa sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: H.Đăng

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: H.Đăng

Ở khía cạnh pháp lý, thực hiện Kết luận số 84-KL/TW ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân.”

Ở bình diện quốc tế, hiện nay, thay vì chỉ quy định ở một phần hoặc một chương của các đạo luật, hầu hết các quốc gia đều có xu hướng xây dựng đạo luật riêng để xử lý các tình huống pháp lý đặc biệt mà người dưới 18 tuổi gặp phải (gọi là Luật Tư pháp người chưa thành niên).

Xuất phát từ những phân tích nêu trên, tại Chương trình số 08-CTr/BCĐCCTPTW ngày 28-02-2021 về Chương trình công tác năm 2021 của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã giao Ban cán sự đảng TANDTC nghiên cứu, xây dựng Đề án “Xây dựng Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt”, dự kiến trình Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến vào tháng 12/2021.

Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam: Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên và trong các văn bản pháp luật điều chỉnh hệ thống tư pháp hành chính và hình sự có nhiều quy định đặc biệt dành cho người chưa thành niên. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một đạo luật toàn diện, chuyên biệt để tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng và chuyên biệt. Đề án lần này là cơ hội lý tưởng để đề xuất những cải cách mạnh mẽ và toàn diện nhằm giúp Việt Nam tiệm cận với các chuẩn mực và các thông lệ tốt nhất của quốc tế nói chung và sớm hoàn thành Đề án xây dựng Luật bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt nói riêng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo tóm tắt Dự thảo "Đề án xây dựng Luật bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt".

Các chuyên gia và nhà khoa học đã tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến đối với bố cục của Đề án, các nội dung đề xuất xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt.

Các ý kiến thống nhất cho rằng, cần có một văn bản luật riêng biệt quy định bộ nguyên tắc, mục tiêu, thủ tục và các chế độ rõ ràng được điều chỉnh đặc biệt dành riêng cho người chưa thành niên để hướng dẫn xử lý người chưa thành niên.

“ Thông qua một luật toàn diện, Việt Nam có thể thúc đẩy cách tiếp cận chuyên môn hóa trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên, đảm bảo rằng tất cả các cơ quan hợp tác cùng nhau hướng tới các mục đích và mục tiêu chung và thiết lập một cơ chế điều phối cho hệ thống tư pháp cho người thành niên”, bà Shelley Casey, Chuyên gia Unicef Việt Nam tại Australia nói./.

Vy Thảo

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/xay-dung-luat-bao-ve-nguoi-duoi-18-tuoi-trong-hoan-canh-phap-ly-dac-biet-579371.html