Xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG

Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm ở duyên hải miền Trung, phía Tây tiếp giáp với tỉnh Sa-la-van và Sê Kông (Lào) có đường biên giới đất liền dài 84km, có đường bờ biển dài 126km. Địa bàn biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP đã tạo thế và lực giúp BĐBP Thừa Thiên Huế bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (BGQG). Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ. Ảnh: Hồ Việt

PV: Đề nghị đồng chí cho biết, qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạo được những chuyển biến như thế nào trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG?

Đồng chí Phan Ngọc Thọ: Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP trên địa bàn tỉnh, có thể khẳng định, Pháp lệnh đã thực sự đi vào cuộc sống, đã tạo thế và lực giúp BĐBP Thừa Thiên Huế bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG. Có được kết quả đó là nhờ sự tham mưu đúng và trúng của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Sau khi Pháp lệnh được công bố, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Pháp lệnh; Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch để hướng dẫn chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung Pháp lệnh phù hợp với tình hình thực tế ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Các đơn vị trong BĐBP tỉnh đã quán triệt và chỉ đạo các đồn Biên phòng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã có biên giới tổ chức tuyên truyền nội dung Pháp lệnh cho các cơ quan, đoàn thể và nhân dân ở khu vực biên giới nắm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới và các cửa khẩu, cảng biển.

PV: Pháp lệnh BĐBP có vai trò như thế nào đối với lực lượng BĐBP tỉnh trong thực thi nhiệm vụ trên biên giới, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Ngọc Thọ: Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP, các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phát huy được vai trò nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và trật tự an toàn ở khu vực biên giới, biển đảo.

BĐBP tỉnh đã chủ động làm tốt công tác nắm tình hình nội, ngoại biên, triển khai đồng bộ các mặt công tác biên phòng. Thời gian qua, đơn vị đã bắt và xử lý 87 vụ trên 161 đối tượng, khởi tố 15 vụ với 43 đối tượng phạm tội về ma túy, mua bán, vận chuyển vật liệu nổ, buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, tang vật thu giữ 4,815kg cần sa, 0,266g bồ đà, 21,249g cỏ Mỹ, 0,675g heroin, 181 viên ma túy tổng hợp, 917kg thuốc nổ...

Đồng thời, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Pháp lệnh, các đơn vị trong BĐBP tỉnh đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên trách quản lý, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, cảng biển, đáp ứng nhu cầu qua lại biên giới, cửa khẩu của người, phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu, thực hiện có hiệu quả chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tích cực đẩy mạnh thủ tục biên phòng điện tử cảng biển; tiến hành niêm yết công khai các quy định về xuất nhập cảnh, về các loại phí và lệ phí tại cửa khẩu, cảng biển, thực hiện khai báo thủ tục điện tử xuất nhập cảnh và xác báo điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử cảng biển, Cổng thông tin một cửa quốc gia... tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút khách du lịch và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh nhà.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Salavan, Lào. Ảnh: Hồ Việt

PV: Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP ở địa phương, đồng chí có những kiến nghị, đề xuất gì?

Đồng chí Phan Ngọc Thọ: Từ thực tiễn 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP tại địa phương, thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Quốc phòng một số nội dung như sau:

Một là, giữ vững chức năng, nhiệm vụ và ổn định về tổ chức của BĐBP nhằm nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển.

Hai là, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của BĐBP theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị, Thông báo Kết luận số 165/TB-TW, đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức BĐBP theo 3 cấp như hiện nay, đảm bảo ổn định lâu dài nhằm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội liên hoàn khép kín từ biên giới đến nội địa.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế giúp dân xây dựng nhà Đại đoàn kết. Ảnh: Hồ Việt

Ba là, xây dựng lực lượng BĐBP thành Quân chủng Biên phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tập trung xây dựng một số ngành (Trinh sát kỹ thuật, Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Cửa khẩu) tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cảng biển.

Bốn là, nghiên cứu xây dựng các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động, cơ cấu tổ chức của BĐBP thành Luật Biên phòng Việt Nam để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho BĐBP thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa.

Năm là, tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành về BGQG và xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 58/NQ-TW và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/TTg ngày 3-3-1959 về việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Đồng thời, để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, Nhà nước ta đã ký kết những điều ước quốc tế với các nước có chung biên giới và ban hành nhiều văn bản pháp lý về biên giới. Các văn bản pháp luật của Nhà nước đã xác định cụ thể phạm vi khu vực biên giới và quy định quản lý, bảo vệ BGQG là trách nhiệm của các lực lượng vũ trang, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và là nghĩa vụ của mọi công dân; trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách.

Ngày 28-3-1997, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khóa IX đã ban hành Pháp lệnh BĐBP, đánh dấu một bước phát triển quan trọng đối với lực lượng BĐBP...

Hồ Việt (Thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/xay-dung-luat-bien-phong-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-quan-ly-bao-ve-bgqg/