Xây dựng Luật Thư viện để thúc đẩy văn hóa đọc

Chiều 11/6, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Thư viện. Nhiều ý kiến đồng tình sự cần thiết ban hành Luật này để thúc đẩy văn hóa đọc.

 Đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn

Theo đại biểu (ĐB) Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên), Dự Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của Nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, theo ĐB, chính sách đầu tư cho hoạt động thư viện cần quy định rõ hơn nữa việc Nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển thư viện; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực nhân lực phát triển thư viện... Đồng thời cần quy định rõ thư viện cộng đồng vào trong Dự Luật để loại hình này có thể duy trì và phát triển.
ĐB Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục phân tích đánh giá để chỉ ra nguyên nhân vì sao thiết chế thư viện vẫn kém còn phát triển trong thời gian qua, từ đó đưa ra chính sách phát triển trong thời gian tới cho phù hợp. Đồng thời dự báo khả năng thu hút các nguồn đầu tư để phát triển thư viện tư nhân, phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa, thông tin của xã hội của các vùng, địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cần xác định rõ cơ chế tài chính, mức độ tài chính, tự chủ tài chính, đào tạo nhân lực của các thư viện công lập khi mới ra đời để tránh tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, lạc hậu về nguồn tài liệu.
Quan tâm đến chính sách phát triển thư viện, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, rất nhiều nước đã ban hành Luật Thư viện với tinh thần chung là khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, giáo dục, phát triển con người. Do đó, Dự Luật cũng cần quy định và phân biệt sự đầu tư của Nhà nước ở 3 mức độ: Ưu tiên, bảo đảm, hỗ trợ.
Các ĐB cũng lưu ý đến thực trạng, rất nhiều tỉnh xây dựng thư viện rất đẹp, huyện cũng dành những vị trí rất trang trọng cho thư viện nhưng đích đến của thư viện là người đọc; tư liệu, tài liệu phải phát huy tác dụng. Do đó, Dự Luật không nên chỉ viết theo hướng tập trung để quản lý, lấy thư viện làm trung tâm mà chưa thấy lấy người đọc là đối tượng phục vụ, là trung tâm cho hoạt động thư viện.

Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai
Chiều 11/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nghị quyết quy định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 các Dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng… Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Tại Kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội cũng cho ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp…

Phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2017
Chiều cùng ngày, với đa số ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.683.045 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.681.414 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018. Bội chi ngân sách Nhà nước là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách T.Ư gồm: Vay trong nước 70.125 tỷ đồng, vay ngoài nước 66.838 tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 283.981 tỷ đồng.
Trong Nghị quyết, Quốc hội cũng giao Chính phủ đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí và tham nhũng. Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước…

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xay-dung-luat-thu-vien-de-thuc-day-van-hoa-doc-345362.html