Xây dựng Luật Tiếp cận thông tin: Công khai để đẩy mạnh dân chủ

Cần có một cơ quan theo dõi, đánh giá việc thực hiện quyền được thông tin của công dân.

Dự thảo mới nhất về Luật Tiếp cận thông tin được ban soạn thảo do Bộ Tư pháp chủ trì đưa ra thảo luận sáng qua (23-6) với tinh thần chung là quy định những trách nhiệm cơ bản nhất, tối thiểu nhất mà các cơ quan nhà nước phải thực hiện để đáp ứng quyền được thông tin của người dân. Ba nhóm cơ quan phải cung cấp thông tin? Dự luật chỉ đề cập tới những loại thông tin không thuộc bí mật nhà nước. Và câu hỏi ai có trách nhiệm cung cấp thông tin này được tranh luận nhiều nhất. Có ý kiến cho rằng cần mở rộng tới cả bốn nhóm: cơ quan hành chính, cơ quan quyền lực, cơ quan tư pháp và các tổ chức sử dụng công sản. GS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng các tập đoàn kinh tế nhà nước đang nắm và sử dụng nguồn công sản rất lớn, thất thoát, tham nhũng xuất phát nhiều tại đây. Vì vậy, chủ thể này phải có trách nhiệm công khai thông tin cho công chúng. Còn trong nhóm các tổ chức chính trị có sử dụng công sản, GS Dung nói trong cơ chế một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo mọi nguồn lực xã hội “mà không công khai thì cũng đáng suy nghĩ”. Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng nên thu hẹp chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin trong phạm vi các cơ quan hành chính nhà nước. Còn ý kiến thứ ba trung dung hơn, đề nghị các cơ quan quyền lực (Quốc hội, HĐND), cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tư pháp phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho dân. Bộ Tư pháp nghiêng theo hướng này với lập luận: Tất cả cơ quan thực hiện quyền lực công đều nắm giữ những thông tin mà người dân cần được biết để tự bảo vệ mình và mặt khác tham gia giám sát. Hơn nữa, quy định trách nhiệm cung cấp thông tin giúp tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Riêng vấn đề trách nhiệm thông tin của đảng cầm quyền với nhân dân, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho là cần thiết, song chỉ nên thể hiện thông qua quy chế của Đảng. Ràng buộc trách nhiệm cơ quan công quyền Cơ quan nhà nước vừa là người nắm giữ thông tin, vừa là người có trách nhiệm cung cấp thì rất có thể họ sẽ không nghiêm túc trong thực hiện trách nhiệm của mình. Vì vậy, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp, ông Lê Thành Long, cho rằng cần quy định chặt chẽ những ngoại lệ mà cơ quan công quyền được từ chối cung cấp thông tin. Cơ quan soạn thảo đề xuất Chính phủ giao cho một cơ quan theo dõi, đánh giá việc thực hiện quyền được thông tin của công dân. Cơ quan đầu mối này có thể là Thanh tra Chính phủ (quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu tố); Bộ Tư pháp (theo dõi, đánh giá chung về công tác thi hành pháp luật); Bộ Nội vụ (quản lý công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu và cán bộ, công chức); Bộ Thông tin Truyền thông (phụ trách lĩnh vực báo chí, truyền thông). Bên cạnh đó, Quốc hội giao cho một cơ quan của mình chức năng giám sát việc thực thi quyền tiếp cận thông tin. Bộ Tư pháp cho rằng phương án khả thi nhất là giao cho Ban Dân nguyện và nâng cơ quan này thành ủy ban. Với các nội dung đề xuất nêu trên, Luật Tiếp cận thông tin được ban hành sẽ ràng thêm trách nhiệm rất lớn cho các cơ quan công quyền trong việc thực thi quyền được thông tin của công dân. Việc này sẽ gây tốn kém, song theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, tốn kém là cần thiết để thúc đẩy hơn nữa dân chủ hóa đất nước. Vẫn còn “vùng nhạy cảm” Theo dự luật Tiếp cận thông tin, ngay trong số thông tin không thuộc diện mật, cơ quan nắm giữ thông tin vẫn có quyền từ chối cung cấp “khi có căn cứ để khẳng định là lợi ích công sẽ bị phương hại nếu cung cấp thông tin”. Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, ở các nước dân chủ phát triển, quyền tiếp cận thông tin của công chúng được quy định ở mức độ tối đa, thông tin mật thu hẹp tối thiểu và những gì không mật thì ai cũng có quyền biết. Thậm chí một số nước còn đưa vào luật những trường hợp ngoại lệ là ngay cả thông tin mật, trong trường hợp đặc biệt vẫn có quyền tra cứu. Tuy nhiên, “luật của ta không thể thoát ly thực tiễn trong nước là còn những “vùng nhạy cảm” khi nói tới quyền tiếp cận thông tin của người dân” - ông Liên nói.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=258895