Xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp ở Quân khu 4

Quân khu 4 là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước, gồm 6 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế).

Cả 6 tỉnh đều có chung đường biên giới với nước bạn Lào với tổng chiều dài là 1.227,8 km và 722 km bờ biển. Sau khi thực hiện đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính, hiện tại có 88 huyện, thị xã, thành phố, với 1.656 xã, phường, thị trấn; trong đó 22 huyện, 89 xã biên giới; 32 huyện, thị xã, thành phố và 162 xã, phường, thị trấn ven biển. Tỷ lệ dân quân tự vệ đạt 1,52% so với dân số; tỷ lệ đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ đạt 28,5%, tỷ lệ đoàn viên đạt 58.17%.

Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 động viên lực lượng dân quân tỉnh Quảng Trị trong diễn tập khu vực phòng thủ. Ảnh: Xuân Diện

Lực lượng Dân quân tự vệ Quân khu 4 được hình thành rất sớm, từ trong phong trào Cách mạng của những năm 1930 - 1931. Từ đội “Tự vệ đỏ” đầu tiên phát triển hình thành các Chi đội “Tự vệ Công nông”, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở chính trị, bảo vệ các cuộc đấu tranh của nhân dân, nổi dậy phá tan xiềng xích nô lệ dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến và đế quốc mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Trong giai đoạn từ năm 1930 - 1945, trên vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình - Trị - Thiên ở đâu có dân là ở đó có lực lượng dân quân, du kích. Các thôn xóm, bản làng, thành phố, thị xã, công - nông - lâm trường, hầm mỏ, nhà máy... đều tổ chức được lực lượng dân quân và du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu phối hợp với dân quân du kích địa phương, vệ quốc quân đã đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 15-10-1945, Chiến khu 4 ra đời. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Chiến khu, lực lượng tự vệ và dân quân du kích Chiến khu 4 được xây dựng và phát triển mạnh mẽ hầu hết các địa phương, với tên gọi là tự vệ cứu quốc và du kích cứu quốc. Ở các tỉnh Bình - Trị - Thiên lực lượng dân quân, du kích từng bước được củng cố và phát triển thành lập các đội “quyết tử quân”, “biệt động đội”, “dân quân thường trực” làm các nhiệm vụ bảo vệ cơ sở của Đảng, bảo vệ Nhân dân, chặn đánh các cuộc càn quét, phục kích tiêu diệt các toán địch, gây dựng cơ sở dân quân rộng khắp để tiến hành chiến tranh du kích lâu dài. Các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, lực lượng dân quân, du kích phát triển rộng khắp, được tổ chức thống nhất theo tỉnh đội bộ, huyện đội bộ, các xã đội, thôn đội bộ... lấy thôn, làng, bản, xã để tổ chức cho phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng địa phương. Trong các đoàn thể cũng thành lập các bộ phận dân quân như: Lão dân quân, Nữ dân quân, Thiếu niên quân đảm nhiệm các công tác thúc đẩy phong trào dân quân, du kích hoạt động ở cơ sở.

Nâng cao chất lượng huấn luyện của lực lượng dân quân xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Huy Cường

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng dân quân tự vệ Vĩnh Linh, Quảng Bình, Thanh - Nghệ - Tĩnh phát triển cả về số lượng, chất lượng; thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia xây dựng địa phương, cơ sở vững mạnh về chính trị, kinh tế, quân sự, công tác động viên tuyển quân; xây dựng thế trận chiến tranh Nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh rộng khắp, cùng với các lực lượng đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Lực lượng du kích Trị - Thiên đã phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực tổ chức nhiều trận đánh lớn, nhỏ tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch ngay trong lòng địch, đưa phong trào chiến tranh du kích, chiến tranh Nhân dân ngày càng phát triển, cùng với quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược, các bước leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, tiến lên “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đây cũng là thời kỳ phát triển mạnh mẽ lực lượng dân quân, du kích, lực lượng phòng không dân quân tự vệ của Quân khu 4.

Trong giai đoạn này, lực lượng dân quân du kích lập nên nhiều chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc. Tiêu biểu như trong phong trào đánh máy bay, tàu chiến Mỹ, ngày 14-2-1965, Bác Hồ đã gửi thư khen lực lượng vũ trang và đồng bào Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An đã chiến đấu dũng cảm lập được chiến công. Ngày 26-5-1965, dân quân Nam Ngạn (Thanh Hóa) hiệp đồng với bộ đội địa phương cùng Hải quân chiến đấu bảo vệ tàu Hải quân, bắn rơi 2 máy bay F8 của Mỹ. Tiêu biểu có nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vác một lúc 2 hòm đạn nặng 97 kg xuống tàu tiếp đạn kịp thời cho bộ đội Hải quân chiến đấu. Chị đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Hay như trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, lực lượng du kích, tự vệ thành phố Huế và các huyện ven thành phố đã chiến đấu hết sức ngoan cường, dũng cảm, đạt hiệu suất chiến đấu cao đánh địch phản kích. Tiêu biểu như Tiểu đội 11 cô gái du kích Hương Thủy hết sức gan dạ, bám trụ vùng Chợ Cống - Vân Dương cùng với Tiểu đoàn 10 (Đoàn 5) đánh địch phản kích, diệt 120 tên Mỹ, bắn cháy 5 xe tăng, được Bác Hồ gửi thư khen...

Dân quân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới ở xã Diễn Kỷ. Ảnh: Huy Cường

Đất nước thống nhất, với tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, chủ động, sáng tạo, lực lượng dân quân, du kích, tự vệ đã vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ, tham gia giữ gìn trật tự an ninh xã hội ở vùng mới giải phóng, truy quét tàn quân của chế độ cũ lẫn trốn không chịu cải tạo; tổ chức lực lượng dân quân, du kích tham gia xây dựng trên các công trường, rà phá và khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, khai hoang phục hóa đưa dân tái định cư vùng kinh tế mới...

Thời kỳ đất nước đổi mới, lực lượng dân quân tự vệ Quân khu 4 được xây dựng vững mạnh rộng khắp, có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao, là lực lượng vũ trang quần chúng đông đảo, hùng hậu, thực sự là nòng cốt bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân ở cơ sở; gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xung kích trong lao động sản xuất và bảo vệ sản xuất; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ quan trọng khác mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin cậy giao phó. Giữa thời bình đã xuất hiện nhiều tấm gương dân quân tự vệ dũng cảm quên mình cứu người, cứu tài sản của nhân dân trong thiên tai, bão lũ...

Với sự đóng góp to lớn và những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, công tác, lao động sản xuất đã có 54 tập thể, 41 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Dân quân huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa tham gia khắc phục hậu quả thiên tai ở bản Sa Ná, xã na Mèo, huyện Quan Sơn. Ảnh: Huy Cường

Thời gian tới, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh tiếp tục có những chủ trương, giải pháp đẩy mạnh xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng dân quân tự vệ lên một bước mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trên một số vấn đề như:

Tổ chức triển khai thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2019, coi trọng việc thực hiện những điểm mới trong luật. Tiếp tục thực hiện các đề án về xây dựng, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới” và Đề án “Xây dựng chốt chiến đấu của dân quân thường trực biên giới đất liền đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Tập trung chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn về tổ chức xây dựng, huấn luyện hoạt động của tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng dân quân tự vệ biển, dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, cơ động, thường trực trên các địa bàn trọng yếu, biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đảng viên trong dân quân tự vệ đạt trên 30%.

Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, từng bước chuẩn hóa 100% trình độ đại học ngành quân sự cơ sở đối với chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ dân quân tự vệ có đủ phẩm chất và năng lực, có kinh nghiệm về công tác quân sự địa phương, có kiến thức về xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, pháp luật, kinh tế - xã hội phù hợp với cương vị chức trách đảm nhiệm và phát triển vị trí cao hơn. Đổi mới toàn diện về huấn luyện dân quân tự vệ; nội dung, chương trình huấn luyện bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ của dân quân tự vệ trên các địa bàn, vùng, miền. Thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp hoạt động của dân quân tự vệ với các lực lượng trong bảo vệ biên giới, biển, đảo, giữ gìn an ninh, trật tự, phòng thủ dân sự theo thẩm quyền. Bố trí ngân sách phù hợp bảo đảm cho công tác dân quân tự vệ; bảo đảm đúng, đủ chất lượng, số lượng trang phục dân quân tự vệ; thực hiện nghiêm việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ theo đúng quy định. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 60% số xã có nhà (phòng) trực cho dân quân...

Lực lượng dân quân tỉnh Quảng Trị tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. Ảnh: Huy Cường

Tiếp tục chỉ đạo quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 269-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo. Tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện các chỉ lệnh, chỉ thị, quyết định của Bộ Quốc phòng, Quân khu về công tác huấn luyện. Tập trung làm chuyển biến nhận thức nhiệm vụ huấn luyện của cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ; nghiên cứu đổi mới phương pháp huấn luyện sát với tình hình nhiệm vụ, đối tượng và địa bàn tác chiến.

Tổ chức lực lượng dân quân tự vệ trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ mục tiêu trong các ngày lễ, tết, sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương (nhất là dịp Đại hội Đảng các cấp, các sự kiện chính trị và các ngày lễ, Tết), phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, kiểm lâm, kiểm ngư và các lực lượng khác trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; tham gia phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai; làm công tác vận động quần chúng, xây dựng nông thôn mới và các hoạt động khác của địa phương, xây dựng cơ sở an toàn làm chủ; xử lý kịp thời các tình huống xảy ra tại cơ sở.

Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống lực lượng dân quân tự vệ giữa lúc diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại, các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2020; lực lượng vũ trang Quân khu hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (15-10-1945/15-10-2020). Đây là thời cơ chính trị để lực lượng dân quân tự vệ Quân khu phát huy truyền thống, cống hiến sức lực, trí tuệ, luôn luôn xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.

Thiếu tướng HÀ THỌ BÌNH, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/xay-dung-luc-luong-dan-quan-tu-ve-vung-manh-rong-khap-o-quan-khu-4-613383