Xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ chính quyền cách mạng

Chưa đầy một tháng sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 23-9-1945, núp dưới danh nghĩa quân Anh vào giải giáp quân Nhật, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ.

Trong khi đó, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã tràn vào miền Bắc với âm mưu "diệt cộng, cầm Hồ". Ở trong nước, các thế lực phản động rắp tâm câu kết với giặc ngoại xâm hòng bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ. Những âm mưu thâm độc của đế quốc và phản động quốc tế đã đặt nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Cùng một lúc, nhân dân ta phải đương đầu với nhiều kẻ thù, nhiều đội quân xâm lược hiếu chiến. Trước tình hình đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt, bình tĩnh, vững tay chèo đưa con thuyền cách mạng qua bão dông thử thách. Cùng với chủ trương vũ trang toàn dân, kêu gọi đoàn kết chống kẻ thù xâm lược, Trung ương Đảng và Bác Hồ đẩy mạnh phát triển nhanh lực lượng vũ trang (LLVT) bảo vệ chính quyền cách mạng và chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ta đã nhanh chóng thành lập các chi đội Giải phóng quân trên địa bàn một số tỉnh. Về sau, các chi đội này phát triển thành các tiểu đoàn, trung đoàn. Ta đã tuyệt đối tranh thủ sự hòa hoãn để xây dựng LLVT, củng cố chính quyền cách mạng. Với chủ trương "hòa để tiến", ta đã ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, tiếp đó tiến hành các hội nghị ở Đà Lạt, Phông-ten-nơ-blô để tìm giải pháp hòa bình, kết thúc chiến tranh. Mặc dù ta đã có nhiều nhân nhượng để thêm những ngày hòa bình, củng cố lực lượng, song ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng đẩy mạnh phá hoại hiệp định với âm mưu tiêu diệt lực lượng quân sự, xóa bỏ chính phủ hợp pháp của ta.

 Một chi đội Giải phóng quân tham gia bảo vệ Lễ Quốc khánh 2-9-1945. Ảnh tư liệu.

Một chi đội Giải phóng quân tham gia bảo vệ Lễ Quốc khánh 2-9-1945. Ảnh tư liệu.

Thực dân Pháp ngày càng lộ rõ dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, LLVT cách mạng ngày càng được củng cố và phát triển. Ta đẩy mạnh xây dựng cả bộ đội chủ lực và LLVT tại chỗ, gồm dân quân, du kích, tự vệ chiến đấu, công an vũ trang... Tính đến ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), LLVT cả nước có khoảng 82.000 người, riêng ở Hà Nội có 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân, khoảng 8.000 tự vệ, gồm tự vệ chiến đấu cứu quốc, tự vệ các xí nghiệp, tự vệ thành Hoàng Diệu và lực lượng công an xung phong. So với lực lượng của Pháp lúc bấy giờ, về quân số, lực lượng của ta và Pháp không chênh lệch quá lớn, nhưng về trình độ tổ chức, trang bị, kỹ thuật thì là một khoảng cách lớn. LLVT của ta đơn thuần là bộ binh, hầu hết là nông dân, trang bị rất lạc hậu. Mỗi đơn vị, nhiều nhất là một phần ba chiến sĩ có súng, nhưng toàn súng cũ, đủ các loại với số lượng đạn rất ít. Những chiến sĩ khác trang bị bằng giáo, mác, đại đao, gậy gộc. Mỗi trung đoàn có 3-4 khẩu trung liên hoặc đại liên, vài ba khẩu súng cối. Hầu hết bộ đội chưa trải qua huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật, phần đông chưa qua bắn đạn thật...

Để xây dựng LLVT lớn mạnh, đủ sức bảo vệ chính quyền cách mạng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải gấp rút huấn luyện, bồi dưỡng cho LLVT, nhất là đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp. Ta đã tổ chức các lớp đào tạo, bổ túc cán bộ quân sự tại Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn và Trường Trung học Quân sự Quảng Ngãi (mỗi lớp đào tạo 400-500 cán bộ phân đội). Từ đội ngũ cán bộ nòng cốt này, công tác huấn luyện chiến đấu cho bộ đội ở các đơn vị tiếp tục được triển khai rộng khắp từ Trung ương đến các chiến khu, các trung đoàn. Các đơn vị bộ đội chủ lực cũng như dân quân, tự vệ đều được huấn luyện các kỹ thuật: Bắn súng, ném lựu đạn và sử dụng các loại vũ khí thô sơ như lưỡi lê, gươm, giáo, kiếm... Về chiến thuật, bộ đội được huấn luyện chiến thuật chiến đấu từ cấp tiểu đội đến tiểu đoàn. Ta đã tận dụng các sĩ quan và binh sĩ nước ngoài giác ngộ theo cách mạng để huấn luyện cho LLVT cách mạng. Đồng thời, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo tăng cường vũ khí cho LLVT với phương châm vừa tổ chức sản xuất, vừa lấy vũ khí của địch đánh địch. Phong trào thi đua sản xuất vũ khí ở hầu khắp các đơn vị, địa phương cả nước, từ các khu, tỉnh đến các chi đội ở khắp ba miền đều khẩn trương tổ chức hàng trăm công binh xưởng; ban đầu chỉ sản xuất vũ khí thô sơ như dao, kiếm, lựu đạn, mìn, súng kíp... sau đó, ngành quân giới đã nhanh chóng tiến đến nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại đạn dược, vũ khí hiện đại, tiêu biểu là súng cối, ba-dô-ca, SKZ...

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với LLVT, đảng bộ các cấp đã điều đảng viên vào các đơn vị chủ lực, dân quân, tự vệ; tổ chức kết nạp đảng viên mới. Đến ngày Toàn quốc kháng chiến, nhiều đại đội và tương đương đã thành lập chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ các cấp, tinh thần chiến đấu của bộ đội ngày càng được nâng cao, kỷ luật của quân đội được củng cố. Nhờ đó, LLVT cách mạng được xây dựng và phát triển, vừa bảo vệ chính quyền cách mạng, vừa chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến toàn diện chống thực dân Pháp.

Đại tá VŨ HỒNG KHANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/xay-dung-luc-luong-vu-trang-bao-ve-chinh-quyen-cach-mang-549619