Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường hiện đại, đồng bộ

Quan trắc môi trường là công cụ không thể thiếu trong quản lý và bảo vệ môi trường, để kiểm soát hiệu quả các nguồn thải. Việc xây dựng mạng lưới trạm quan trắc tự động hiện đại, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường. Qua đó, góp phần đưa ra các giải pháp kịp thời trong công tác quản lý, tăng cường chất lượng môi trường.

Năm 2019, Trạm vùng tác động Tây Nam bộ (đặt tại TP Cần Thơ) đi vào hoạt động với phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về công tác quan trắc môi trường quốc gia.

►Mạng lưới quan trắc hiện đại

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường những năm qua, công tác quan trắc môi trường ở nước ta đã được quan tâm, chú trọng thực hiện và phát triển khá mạnh mẽ ở cả cấp Trung ương và địa phương, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Hoạt động quan trắc tự động ở Việt Nam đã bước đầu được chú ý, góp phần xác định các thay đổi hoặc diễn biến chất lượng môi trường liên tục theo thời gian và không gian. Hệ thống còn giúp xác định nhanh, phát hiện sớm các vấn đề về chất lượng môi trường. Từ đó, kịp thời, đề xuất các biện pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ môi trường, hỗ trợ cho công tác hoạch định chính sách.

Nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước, không khí, trong thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư các trạm quan trắc để giám sát, kịp thời xử lý các sự cố về môi trường. Các điểm quan trắc phủ trên địa bàn của tất cả các tỉnh, thành trong vùng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các sông chính, các điểm nóng về môi trường: các đô thị lớn, khu công nghiệp, các vùng sinh thái đặc biệt nhạy cảm về môi trường… Bên cạnh đó, một số địa phương đầu tư xây dựng trạm quan trắc tự động: Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng...

TP Cần Thơ là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL đầu tư hệ thống quan trắc tự động và hoạt động từ năm 2014. Hiện nay thành phố đã lắp đặt 5 trạm quan trắc môi trường, trong đó có 1 trạm quan trắc không khí đặt tại Trạm cảnh sát Hưng Phú, quận Cái Răng; 4 trạm quan trắc nước mặt tự động đặt tại thượng nguồn, hạ nguồn sông Hậu và các điểm khu công nghiệp, họng cấp nước của thành phố. Qua đó, nhằm kịp thời dự báo, đánh giá chất lượng môi trường, diễn biến xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, hoạt động quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố thời gian qua đã đáp ứng một phần nhu cầu về số liệu, thông tin phục vụ công tác bảo vệ môi trường, xây dựng các báo cáo môi trường và đề xuất các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường với kết quả quan trắc luôn ở mức chất lượng tốt, đảm bảo...

►Kết nối đồng bộ

Mặc dù hoạt động quan trắc môi trường thời gian qua đã cung cấp nhiều dữ liệu về chất lượng môi trường đất, nước, không khí phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực tài chính, hệ thống quan trắc môi trường ở cả cấp quốc gia và địa phương vẫn chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ, hiện đại hóa để có thể kịp thời theo dõi, giám sát liên tục hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường. Mặt khác, đến nay cả nước có gần 30 tỉnh, thành phố đã đầu tư xây dựng và vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động với khoảng 70 trạm quan trắc không khí xung quanh và khoảng 90 trạm quan trắc môi trường nước. Với yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường trong tình hình mới, hệ thống quan trắc môi trường hiện nay vẫn còn hạn chế về số lượng điểm, tần suất, thông số và công nghệ quan trắc.

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bắt tay xây dựng nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ, các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ ngày càng nhiều, đã và đang tạo ra những áp lực rất lớn lên môi trường, đòi hỏi phải xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường rộng. Đồng thời, thực hiện quan trắc thường xuyên, liên tục để đánh giá diễn biến và đưa ra những cảnh báo môi trường cho cộng đồng và các cơ quan quản lý. Quy hoạch lần này được xây dựng từ nền tảng sẵn có để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường. Mạng lưới các điểm, trạm quan trắc cần được quy hoạch có tính mở để có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế phát triển. Đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa trong việc huy động nguồn lực triển khai các chương trình quan trắc môi trường trong quy hoạch…

Hoạt động tại Trung tâm quan trắc môi trường TP Cần Thơ.

Tháng 2 vừa qua, Chính phủ ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phạm vi quy hoạch trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: vùng đất, vùng nước (bao gồm cả vùng nước biển), vùng trời, khoảng không, lòng đất. Điểm đặc biệt của quy hoạch lần này là xây dựng định hướng liên kết mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường quốc gia với mạng lưới, cơ sở dữ liệu, số liệu quan trắc môi trường cấp tỉnh và kết nối mạng lưới quan trắc môi trường.

Cùng với đó, việc lựa chọn danh mục các dự án quan trắc môi trường quốc gia ưu tiên thực hiện tập trung vào các lĩnh vực: triển khai các chương trình quan trắc tổng thể theo quy hoạch đã được phê duyệt; đầu tư bổ sung một số trạm quan trắc tự động tại các khu vực ưu tiên cao theo quy hoạch; tăng cường năng lực quan trắc môi trường cho các trạm quan trắc môi trường quốc gia và địa phương…

Với sự quan tâm của Chính phủ và sự vào cuộc của các địa phương, công tác quan trắc môi trường sẽ sớm đồng bộ, kết nối từ Trung ương đến địa phương, phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Bài, ảnh: T. TRINH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/xay-dung-mang-luoi-quan-trac-moi-truong-hien-dai-dong-bo-a119609.html