Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện với trẻ

Thời gian qua, liên tiếp các vụ tai nạn, thương tích trẻ em xảy ra tại nhiều địa phương, để lại những hệ lụy đau lòng cho các gia đình cũng như toàn xã hội. Hơn bao giờ hết, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới; đòi hỏi những giải pháp thiết thực và cụ thể hơn. Đặc biệt, việc thực hiện các tiêu chí trong công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em cần được các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai, nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện để trẻ phát triển toàn diện.

Nhà văn hóa thôn Cẩm Bình Kha, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô được tỉnh hỗ trợ lắp đặt trang thiết bị vui chơi giải trí năm 2019, là sân chơi bổ ích cho trẻ em vùng nông thôn

Những ngày vừa qua, người dân thôn Đoàn Kết, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô không khỏi bàng hoàng, xót xa khi hay tin cháu T.A.H (11 tuổi) bị đuối nước, dẫn đến cái chết thương tâm.

Theo lời kể của người dân, chiều 15/5, cháu H cùng bạn bè sau khi đá bóng xong đã rủ nhau xuống một hố nước rộng gần đấy để rửa chân tay. Không may, đất sạt xuống, cuốn theo H. Thấy H chới với giữa dòng nước sâu, hai bạn khác vội lao xuống cứu nhưng cũng đều bị hụt chân. Khi người dân đến nơi thì chỉ kịp cứu được hai bạn…

Trước đó, vào khoảng cuối tháng 4/2021, một vụ tai nạn hy hữu cũng đã xảy ra tại xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô khiến cháu bé 4 tuổi tử vong. Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Sông Lô: Người ông đã để cháu ở nhà một mình để đi đón các anh chị của cháu vào giờ tan học. Khi trở về nhà, vẫn nghĩ là cháu đang chơi đùa ở khu vực nhà bếp. Mãi sau mới phát hiện, cháu bé bị kẹp cổ vào phần chân gập của bàn ăn và đã tử vong.

Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Sông Lô Lê Thanh Dự chia sẻ: "Tai nạn, thương tích xảy đến rất bất ngờ, khó lường trước và không thiếu những vụ việc hy hữu như trường hợp kể trên. Thế nên, để đảm bảo an toàn cho trẻ, trước nhất là cần đến sự quan tâm, sát sao của gia đình, những người thân bên cạnh; tiếp đó là sự chung tay, trách nhiệm của toàn xã hội.

Trên địa bàn huyện Sông Lô, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện theo từng năm, có những điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi xã, thị trấn".

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hướng tới mục tiêu chung là phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích, trẻ em lang thang, lao động sớm, vi phạm pháp luật, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt…

Trợ giúp, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em và phát triển toàn diện trẻ em; phát huy trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cơ quan, tổ chức và toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Đây cũng chính là một phần nội dung thuộc 13 tiêu chí đánh giá việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ được triển khai trên toàn quốc từ năm 2010.

Tại Vĩnh Phúc, để đẩy mạnh phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đảm bảo tất cả trẻ em đều được hưởng các quyền cơ bản của mình, có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò, nhiệm vụ của công tác này đối với mỗi gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, rà soát, tổng hợp danh sách số trẻ trên địa bàn, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tập huấn về chấm điểm, đánh giá các chỉ tiêu xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em tại các địa phương.

Trên cơ sở đó, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đăng ký, xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em.

Để hỗ trợ các địa phương xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, tỉnh cũng đã lắp đặt 19 bộ trang thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em tại 19 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và trung tâm văn hóa xã.

Tỉnh Đoàn tích cực vận động hỗ trợ trang thiết bị vui chơi cho 80 điểm vui chơi tại các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ...

Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 80%.

Là một trong những địa phương tiêu biểu đạt ở mức cao một số tiêu chí xây dựng xã phù hợp với trẻ, xã Cao Phong, huyện Sông Lô đã có nhiều giải pháp thực hiện 13 tiêu chí đánh giá và đưa vào chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương.

Cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị, nhất là nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan; thực hiện tốt công tác đánh giá xã đạt tiêu chuẩn xã phù hợp với trẻ em hằng năm.

Chị Kiều Thị Uyên, cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã Cao Phong cho biết: “Trên địa bàn xã không có trẻ bị bạo hành, tai nạn, thương tích dẫn đến tử vong; không có trẻ nghiện ma túy. Toàn xã có 4 khu vui chơi dành cho trẻ, trong đó 1 khu vui chơi được lắp đặt trang thiết bị bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ khuyết tật luôn được địa phương quan tâm, nhằm động viên, giúp đỡ các em hòa nhập cộng đồng”.

Mặc dù còn gặp không ít khó khăn trong triển khai thực hiện, tuy nhiên, các địa phương luôn xác định, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, cần được quan tâm thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Bởi sự an toàn của trẻ chính là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình và cũng là mục tiêu toàn xã hội hướng đến.

Bài, ảnh: Cúc Phương

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/77502/xay-dung-moi-truong-song-an-toan-lanh-manh-va-than-thien-voi-tre.html