Xây dựng Nam Đàn thành huyện nông thôn kiểu mẫu gắn với phát triển văn hóa, du lịch

Phát triển văn hóa gắn với du lịch đang là định hướng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu toàn quốc của huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Tấp nập du khách về thăm quê Bác vào tháng 5.

Hướng đi này nhằm phát huy các thế mạnh nổi trội của Nam Đàn về truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, biến các tiềm năng lợi thế trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới thông qua phát triển du lịch. Ngược lại, phát triển du lịch cũng là giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Tại 2 xã Nam Trung và Khánh Sơn của huyện Nam Đàn hiện còn hơn 200 ngôi nhà và công trình kiến trúc cổ. Trong đó có nhiều ngôi nhà có niên đại từ 100 - 150 năm. Các ngôi nhà cổ đều có kiến trúc thống nhất, nằm trong tổng thể của cấu trúc cộng đồng làng xã và phù hợp với sinh hoạt, lối sống đặc trưng của nông thôn vùng Bắc Trung bộ ngày xưa.

Xóm Bắc Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn vốn là trung tâm của làng Đức Nậm – vùng đất cổ Vạn An gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp đánh giặc, dựng nước của vua Mai Hắc Đế. Sau bao tàn phá của tự nhiên, của chiến tranh, người dân Bắc Sơn vẫn tự hào về làng mình, một vùng quê còn lưu giữ được nhiều di tích cổ kính như: đền, đình, chùa, giếng…

Chùa Đức Sơn hay còn gọi là chùa Nậm xây dựng cách nay hơn 5 thế kỷ, là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất ở Nghệ An còn lưu giữ được 210 bản khắc mộc cổ, 1 quả chuông cổ nặng 182 kg, một hệ thống tượng pháp cổ bằng gỗ với gần 40 bức tượng có giá trị lớn về lịch sử, nghệ thuật… Chùa Đức Sơn đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia năm 2001. Bên cạnh đó, đền Đức Sơn hay còn gọi là đền Thánh Mẫu thờ, tương truyền xây dựng cùng thời với chùa Đức Sơn, đang hiện hữu với cổng tam quan, hạ, trung, thượng điện cổ kính cùng 110 bản khắc mộc cổ, sách cổ và nhiều sắc phong của triều Nguyễn. Đền đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 2016.

Nam Đàn không chỉ là nơi "địa linh nhân kiệt", là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn được thiên nhiên ưu đãi một hệ thống cảnh quan tự nhiên tươi đẹp và đa dạng, hội tụ đầy đủ các yếu tố địa hình sông, núi, đồng bằng... thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và du lịch. Hàng năm, Nam Đàn tiếp đón trên 2 triệu lượt cán bộ, khách du lịch tham quan Khu di tích Kim Liên và các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện. Đây là một con số hết sức ấn tượng cho thấy tiềm năng phát triển cũng như sự quan tâm mong đợi của cả nước đối với huyện Nam Đàn.

Phát triển dân ca ví giặm trở thành một sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của vùng đất xứ Nghệ.

Bắt tay xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2010 đến nay, toàn bộ 23 xã của huyện đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Huyện đã đạt 9 nhóm tiêu chí và được công nhận là huyện nông thôn mới.

Trên cơ sở phát huy các đặc thù, tiềm năng, thế mạnh của huyện về văn hóa và truyền thống lịch sử cách mạng, góp phần tạo ra sức lan tỏa trên toàn quốc, Nam Đàn đặt mục tiêu đến năm 2020, huyện đạt được các tiêu chí cơ bản của huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch; đến năm 2025, huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Theo ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, được Trung ương chọn là một trong bốn huyện của cả nước xây dựng thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Nam Đàn xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “phát triển văn hóa gắn với du lịch”. Huyện đã đề ra định hướng chung là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương như các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, các lễ hội truyền thống, làng cổ Việt, làng nghề truyền thống...; trong đó, lấy văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng là trọng tâm để thu hút và phát triển du lịch; lấy du lịch là công cụ để bảo tồn, quảng bá, giáo dục về văn hóa, lịch sử cách mạng, tư tưởng lý luận chính trị... Ngoài ra, huyện cũng phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương (sản phẩm nông nghiệp đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ...) để phục vụ du lịch, qua đó nâng cao giá trị sản xuất, phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn huyện. “Phát triển văn hóa gắn với du lịch dựa trên nền tảng cộng đồng nhằm phát huy giá trị của cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng”, ông Đinh Xuân Quế nhấn mạnh.

Để khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, huyện Nam Đàn có chủ trương ưu tiên, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực vận tải và thiết kế tour du lịch nội huyện. Từ đó quảng bá để liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa khách về tham quan du lịch tại huyện Nam Đàn.

Thực tế thời gian qua, công tác liên kết du lịch được xúc tiến hợp tác giữa Nam Đàn với thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh nhằm phát triển các tuyến du lịch mới, thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch được nâng cao chất lượng và đa dạng hóa, bao gồm các loại hình: du lịch văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, du lịch tâm linh, sinh thái, ẩm thực. Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa” ngày càng có hiệu quả tích cực góp phần tạo môi trường cho du lịch văn hóa phát triển. Huyện Nam Đàn đã cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao cấp huyện, hệ thống thiết chế văn hóa nông thôn cấp xã, xóm.

Cụ thể hơn, huyện Nam Đàn đã và đang bảo tồn, khai thác giá trị hệ thống di sản phi vật thể dân ca ví giặm, nghề truyền thống phục vụ phát triển dịch vụ du lịch. Để xây dựng không gian văn hóa ví giặm, hàng năm huyện tổ chức các hội thi, liên hoan hát dân ca ví giặm xứ Nghệ; thành lập các câu lạc bộ dân ca ví giặm xứ nghệ; tổ chức hát ví giặm trên dòng sông Lam... Cùng với đó huyện bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực với các đặc sản như tương Nam Đàn, bánh đúc Sa Nam, thịt me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, cá Mòi sông Lam, bột sắn dây và hồng Nam Anh, cá rô Bàu Nón...

Bài, ảnh: Bích Huệ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/xay-dung-nam-dan-thanh-huyen-nong-thon-kieu-mau-gan-voi-phat-trien-van-hoa-du-lich-20180519072821163.htm