Xây dựng nền giáo dục chia sẻ

Ngày 23-8, tại TP Hồ Chí Minh, Hội khuyến học Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường đại học Tôn Đức Thắng tổ chức hội thảo khoa học 'Vai trò của trường đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn'.

Hơn 100 nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên… khu vực phía nam tham dự.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, người lao động nói chung ở nước ta hiện còn nghèo nàn về tri thức, những tri thức hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, không đủ sức để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyên nhân dẫn đến điều này chủ yếu do nền giáo dục còn khép kín, chưa mở ra những con đường tích tụ tri thức và những cơ chế chia sẻ tri thức cho người học, nhất là cho lực lượng lao động. Hiện tượng này làm xuất hiện những “khoảng cách tri thức” giữa các cộng đồng dân cư, giữa các vùng kinh tế.

Các đại biểu khẳng định, tài nguyên giáo dục mở chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức. Tài nguyên này được chuyển tải trên mạng thông tin, phân phối đến từng đối tượng người học, không có trở ngại về địa lý và hàng loạt rào cản khác sẽ nhanh chóng giúp những người học tự trang bị tri thức cho mình.

Để thực hiện được vấn đề này, các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra tài nguyên giáo dục mở sẽ giúp cho nhiều đối tượng, như: công chức, viên chức, người lao động, nông dân... có thêm nhiều kênh để học tập không bị cách ly với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay.

Theo đó, lãnh đạo các trường đại học nhấn mạnh, việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho người lớn có đầy đủ tư liệu học tập suốt đời phải hướng đến hai vấn đề lớn: Thứ nhất, xây dựng kho tư liệu giáo dục càng lớn càng tốt dưới hình thức đầu tư phần mềm cho giáo dục thường xuyên. Qua đó, phát huy tinh thần hiếu học của người học và tạo cho họ năng lực tự học với cách học hiện đại, sử dụng các công nghệ học tập để truy cập, tiếp cận, sử dụng, phổ biến, chia sẻ tri thức. Thứ hai, xây dựng tài nguyên giáo dục mở cần kèm theo cơ chế chia sẻ tri thức từ tài nguyên giáo dục mở linh hoạt, đa dạng và phong phú về giá trị sử dụng để giúp người học tự học bất ở cứ đâu, thời gian nào.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống giáo dục mở để các trường Đại học phải chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo, tạo ra tri thức theo hướng giáo dục mở cho người học dễ dàng tiếp thu tri thức; việc xây dựng và phát triển hệ thống các trường đại học tham gia trong một mạng lưới tổ chức xây dựng tài nguyên giáo dục mở… để hướng đến một nền giáo dục chia sẻ.

CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/41311502-xay-dung-nen-giao-duc-chia-se.html