Xây dựng nền giáo dục mở, thông minh để thúc đẩy sáng tạo

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, xây dựng nền giáo dục mở và thông minh cho toàn dân là nền tảng để thúc đẩy sáng tạo.

Sau 2 ngày làm việc, với gần 60 phiên thảo luận, hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 kết thúc chiều nay.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu bế mạc WEF ASEAN 2018

Phát biểu bế mạc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, chỉ có đổi mới sáng tạo với nhiều tầm nhìn đa chiều mới đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên trong thế giới ngày nay.

Do đó, Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới.

Cùng với đó, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo cơ hội cho mọi người dân khởi nghiệp sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới.

"Xây dựng nền giáo dục mở và thông minh cho toàn dân là nền tảng và phương cách quan trọng để thúc đẩy sáng tạo, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng cơ hội và lợi ích của tiến bộ công nghệ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông hoan nghênh hội nghị đã đưa ra nhiều ý tưởng khuyến nghị về các trang bị cho người dân, nhất là thế hệ trẻ về các kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng số để làm chủ công nghệ mới. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào giáo dục thông minh ở các nước ASEAN.

Phó Thủ tướng mong muốn WEF phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN để hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến thiết thực đã được lãnh đạo các nước ASEAN nêu tại hội nghị.

Cách mạng tư duy

Các đồng chủ tọa WEF ASEAN đánh giá đây là ngày hội giao lưu các ý tưởng, đánh giá sâu sắc nhiều chiều về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0.

Các đồng chủ tọa WEF ASEAN tổng kết các nội dung được thảo luận tại hội nghị

Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, nhìn lại lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp, mỗi khi có một cuộc cách mạng mới diễn ra, các công nghệ mới xuất hiện thì các doanh nghiệp và xã hội được trao quyền nhiều hơn để hỗ trợ chính phủ vận hành tốt hơn.

Bất cứ khi nào điều đó xảy ra, chính phủ sẽ trở nên tinh gọn, để thông minh hơn và thay đổi nhanh hơn.

Quyền Bộ trưởng TT&TT cho rằng, trong quá khứ, các công nghệ mới cải thiện cuộc sống, cải thiện cách quản lý một quốc gia. Nhưng giờ đây, chính công nghệ đã thay đổi cách thức sống, cách quản trị. Từ đó đòi hỏi con người phải thay đổi tư duy của mình.

“Thách thức lớn nhất đối với chúng ta là công nghệ có thể thay đổi nhanh chóng nhưng người dân và chính phủ không thể thay đổi cùng tốc độ như vậy”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, cần đào tạo con người để thích ứng với các thay đổi. Cần không chỉ đào tạo công nghệ mà còn đào tạo kỹ năng mềm như sự sẵn sàng thay đổi, quyết tâm dẫn dắt thay đổi.

“CMCN 4.0 không chỉ là cách mạng về mặt công nghệ, mà còn là cách mạng về tư duy. Mỗi cuộc cách mạng mới sẽ đem lại cơ hội nhiều hơn là rủi ro. Nó phụ thuộc vào việc chúng ta nhìn nhận thế nào”, quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Thái An - Phạm Hải

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/xay-dung-nen-giao-duc-mo-thong-minh-de-thuc-day-sang-tao-476645.html