Xây dựng nền kinh tế xanh: Chìa khóa giải cứu rừng Amazon

Một nhà khoa học hàng đầu đã cảnh báo rừng Amazon sẽ bước vào một 'cơn ác mộng suy thoái' trừ khi có một nền kinh tế dựa trên đa dạng sinh học bền vững phát triển và coi trọng đúng mức hệ sinh thái và các sản phẩm do rừng nhiệt đới tạo ra.

Một hòn đảo bán đảo ở giữa Rio Jari trong rừng nhiệt đới Brazil. Ảnh: Greenpeace

Giáo sư Thomas Lovejoy - người được mệnh danh là "cha đỡ đầu của đa dạng sinh học", cho biết nếu các hoạt động kinh tế nông/công nghiệp như chăn nuôi gia súc, sản xuất dầu cọ và khai thác gỗ vẫn tiếp tục, chu kỳ thủy văn của rừng nhiệt đới sẽ "tan nát", khiến hệ thống thời tiết toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng.

Ông Lovejoy, một thành viên cấp cao tại Tổ chức Liên Hợp Quốc và là chủ tịch của Trung tâm Đa dạng Sinh học Amazon, cho biết để xoay chuyển tình thế này sẽ đòi hỏi một nền kinh tế xanh sáng tạo thu lợi nhuận từ chính các hoạt động khai thác rừng hiệu quả.

"Sự đa dạng sinh học phong phú của rừng nhiệt đới Amazon đã bị đánh giá thấp hơn so với các hoạt động kinh tế như trồng trọt và khai thác gỗ tràn lan", ông Lovejoy chỉ ra. “Các nỗ lực bảo tồn không hề thất bại nhưng chúng ta đã quá tập trung vào việc bảo tồn mà không dành đủ thời gian để giúp mọi người hiểu được giá trị của đa dạng sinh học”.

Gỗ bị khai thác từ rừng nhiệt đới Amazon bởi những kẻ khai thác trái phép. Ảnh: AFP

Trong nhiều thập kỷ, rừng Amazon đã bị phá hoại do sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ, giáo sư Lovejoy lập luận. Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, đã nói rằng các khu bảo tồn sinh thái “cản trở sự phát triển”. Trong nhiệm kỳ của ông Bolsonaro, nạn phá rừng tại Brazil đã đạt mức cao nhất trong 12 năm.

“Một Amazon trong tương lai không được hưởng lợi từ quỹ đạo phát triển dựa trên đa dạng sinh học chu đáo sẽ chỉ là một cái bóng mờ nhạt của những gì những nhà thám hiểm ban đầu tìm ra nó”, ông Lovejoy cảnh báo. “Amazon sẽ biến từ một vườn địa đàng thành một cơn ác mộng suy thoái”

Nhà khoa học người Brazil Carlos Nobre mô tả rừng Amazon là một trong những “phòng trưng bày vĩ đại nhất” của đa dạng sinh học và vẫn ẩn chứa rất nhiều bí mật mà nhân loại vẫn chưa khám phá hết.

Ví dụ, một loài rắn nhiệt đới ở Amazon tên fer-de-lance, đã truyền cảm hứng cho việc khám phá ra chất ức chế angiotensin giúp kéo dài cuộc sống của hàng triệu người bằng cách kiểm soát huyết áp. Curare - một loại thuốc giãn cơ được sử dụng trong phẫu thuật, vẫn được thu hoạch trực tiếp từ Amazon.

Chăn nuôi gia súc là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tàn phá rừng ở Amazon của Brazil, với 79,5% diện tích đất rừng bị chặt phá được sử dụng làm đồng cỏ gia súc. Ảnh: Greenpeace

“Không ai dừng lại để tìm hiểu xem tất cả điều này đến từ đâu”, ông Lovejoy chỉ ra. “Hầu hết mọi xã hội loài người đều coi trọng thư viện, nhưng họ không bao giờ coi tự nhiên như một thư viện sống khổng lồ, nơi không chỉ có tất cả thông tin và giải pháp tích lũy được cho đến nay, mà còn là những thứ mới mà họ đang phát minh hàng ngày".

Công ty bảo hiểm Swiss Re đã ước tính rằng hơn một nửa GDP toàn cầu (42 triệu USD) phụ thuộc vào đa dạng sinh học hoạt động cao. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cạn báo việc mất đa dạng sinh học là 1 trong 5 rủi ro lớn nhất trong thập kỷ tới.

Đã có 17% diện tích Amazon bị phá hủy và nghiên cứu cho nếu tỷ lệ này tiếp tục tăng lên 20-25% thì dần dần rừng nhiệt đới sẽ bắt đầu chuyển thành thảo nguyên. Một bài báo trên tạp chí Nature Communications năm ngoái cho rằng 40% diện tích rừng nhiệt đới hiện có đã và đang trên đà chuyển đổi.

Bắc Hiệp

Theo The Guardian

Bắc Hiệp

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/xay-dung-nen-kinh-te-xanh-chia-khoa-giai-cuu-rung-amazon-post102605.html