Xây dựng nền văn nghệ Việt Nam chân - thiện - mỹ, đồng hành cùng dân tộc

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam suốt 70 năm qua là 'mái nhà chung' quy tụ các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam tâm huyết, tài năng, phấn đấu sáng tạo xây dựng nền văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, về phương hướng, nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trong thời gian tới.

Phóng viên (PV): Nhắc đến Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là nhắc đến một tổ chức uy tín, đại diện cho giới văn nghệ sĩ. Thành tựu và truyền thống làm nên danh tiếng được hình thành như thế nào, thưa ông?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Trong khói lửa kháng chiến chống thực dân Pháp, tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ hai diễn ra từ ngày 25 đến 27-7-1948, Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam) được thành lập. Nhưng từ năm 1943, Hội Văn hóa cứu quốc ra đời đã tập hợp nhiều văn nghệ sĩ tiến bộ, hết mình ủng hộ Đảng, ủng hộ cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân. Các văn nghệ sĩ tham gia Hội Văn hóa cứu quốc sau này đều tham gia sáng lập Hội Văn nghệ Việt Nam.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với các nhà văn nước ngoài tham quan Bảo tàng Văn học Việt Nam. Ảnh: TUẤN LINH.

Truyền thống nhập thế tích cực đó được duy trì trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. VHNT thực sự là một binh chủng đặc biệt, góp phần to lớn vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, thống nhất đất nước thông qua rất nhiều tác phẩm xuất sắc. Nhiều tấm gương văn nghệ sĩ thực sự là những chiến sĩ, hy sinh xương máu cho khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc, như: Trần Đăng, Thâm Tâm, Hoàng Lộc, Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Hoàng Việt… Văn nghệ sĩ không chỉ chứng minh tài năng qua tác phẩm, mà còn chứng minh thông qua hành động cách mạng. Điều quý giá nhất, sự ghi nhận lớn nhất đối với văn nghệ sĩ là tên tuổi và tác phẩm đã đi vào ký ức của nhân dân.

PV: Ông có thể cho biết, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam có những chủ trương gì để xây dựng nền văn nghệ mới phù hợp với thực tiễn thời đại mới?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Trong bối cảnh quốc tế và trong nước xuất hiện nhiều vấn đề mới, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nói riêng và giới văn nghệ sĩ cả nước nói chung có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh để xem xét, phân tích, lý giải các vấn đề, kiên định niềm tin với con đường và sự nghiệp đã chọn.

Văn nghệ sĩ cả nước đang tận dụng những năng lượng và thời cơ do sự nghiệp đổi mới đem lại để mở rộng không gian suy tưởng, mở rộng đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác làm cho đời sống VHNT trở nên sống động, nhiều sinh khí mới, đa dạng, phong phú như chính cuộc sống. Tuy vậy, công chúng nghệ thuật vẫn còn đang chờ đợi, đòi hỏi ở VHNT trên nhiều vấn đề, trong đó vấn đề bức xúc nhất là xây dựng con người. Con người là vốn quý nhất, phải được xây dựng bằng những chất liệu quý nhất, trong đó có VHNT.

VHNT có nhiều lợi thế để góp phần giữ yên lòng người và sự an toàn xã hội. Nhiệm vụ xây dựng con người hiện nay đối với VHNT mang thêm nhiều nội dung mới và trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Để đáp ứng yêu cầu đó, văn nghệ sĩ phải đi vào đời sống, tìm trong đời sống cảm hứng sáng tạo. Phấn đấu cao nhất để có nhiều tác phẩm hay và đẹp; phản ánh đầy tài năng cuộc sống mới mẻ, rộng lớn và hùng vĩ chưa từng có của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ trương của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam là cổ vũ, hỗ trợ, định hướng văn nghệ sĩ cả nước đồng hành cùng dân tộc, phục vụ lợi ích tối cao của dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ; tôn trọng tự do sáng tác gắn liền với trách nhiệm xã hội; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại; phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ…

PV: Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy các văn nghệ sĩ sáng tạo, thưa ông?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Phát huy thành tựu, truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động; kiên quyết khắc phục tình trạng chất lượng không tương xứng với số lượng; khắc phục tình trạng thương mại hóa, phê phán những sản phẩm thấp kém làm lệch lạc thị hiếu công chúng, nhất là đối với lớp trẻ. Thận trọng và tỉnh táo hơn bao giờ hết trong tiếp thu các trào lưu văn nghệ nước ngoài. Đẩy lùi tình trạng nghiệp dư hóa trong các khâu hoạt động, đặc biệt là kết nạp hội viên và xét tặng các giải thưởng; kiên quyết không hạ chuẩn đề đổi lấy phong trào mà phải lấy các giá trị đích thực để định hướng phong trào.

Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tìm nhiều biện pháp giúp đỡ hội viên không ngừng trau dồi năng lực chuyên môn, có tầm nhìn xa rộng, không ngừng nâng cao tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo, lý luận, phê bình, quảng bá tác phẩm là giải pháp tốt nhất hướng tới những mùa vụ bội thu mới của VHNT, góp phần nhiều nhất vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/xay-dung-nen-van-nghe-viet-nam-chan-thien-my-dong-hanh-cung-dan-toc-545064